Kết nối cung – cầu hàng hoá cần thắt chặt chuỗi liên kết
Chuỗi liên kết cá ngừ có thể bảo vệ DN và ngư dân trong giai đoạn EU phạt thẻ vàng | |
Phát triển chuỗi liên kết thủy sản Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do |
Đông đảo khách hàng mua sắm trong tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt 2017”. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Chiều ngày 9/12, tại sự kiện tổng kết Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hoá 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhận định, đây là sự kiện thường niên quan trọng không chỉ đối với thành phố, mà qua từng năm đã tạo sức lan tỏa rộng ra quy mô cả nước. Hội nghị thu hút sự tham gia của các tỉnh thành khu vực phía Nam, đồng thời nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương đến từ miền Trung và miền Bắc.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Tp. Hồ Chí Minh kỳ vọng thông qua các hoạt động kết nối với các tỉnh, thành sẽ từng bước tiến đến hình thành chuỗi liên kết tạo ra quy trình sản xuất từ khâu sản xuất đến khâu phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng nỗ lực cung ứng những sản phẩm công nghệ để đưa vào ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa…
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hoá ăm 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức thường niên, đặc biệt là vào dịp cận Tết Nguyên đán hàng năm là rất cần thiết trong việc thúc đẩy xây dựng các chuỗi sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, Sở Công Thương các tỉnh, thành cần kết nối chặt chẽ Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hoá với Chương trình bình ổn thị trường và những hoạt động xúc tiến thương mại khác để phát huy hiệu quả hơn nữa.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị các tỉnh thành khu vực phía Nam; trong đó Tp. Hồ Chí Minh với vai trò đầu mối lưu thông hàng hoá cần có cơ chế phối hợp giữa Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa địa phương có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn cũng như chứng nhận quốc tế.
Ngoài ra, Sở Công Thương các tỉnh, thành cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh tuyên truyền thông tin cho người dân biết về các chương trình, điểm bán hàng bình ổn..., từ đó khuyến khích họ ưu tiêu mua sắm hàng Việt, hàng sản xuất trong nước.
Qua 5 năm triển khai (2012 - 2016), Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa đã được mở rộng về quy mô và nâng cao hiệu quả, với sản lượng hàng hóa dồi dào, phong phú; số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng hợp tác và cung ứng sản phẩm tăng qua từng năm.
Lũy kế đến nay hội nghị đã có 1.761 hợp đồng được ký kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhà phân phối... đến từ nhiều địa phương khác nhau.
Riêng tại Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa năm 2017, đã có trên 500 hợp đồng được ký kết. Thông qua hội nghị, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao thương, hợp tác của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị phân phối, nhà bán lẻ… cũng được hỗ trợ giải quyết.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành đẩy mạnh trao đổi thông tin, tìm hiểu thế mạnh của từng địa phương về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, thông tin thị trường.