|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thứ trưởng Bộ Lao động: Mức đóng bảo hiểm xã hội mới từ 2018 sẽ tăng nhưng không nhiều

18:19 | 22/12/2017
Chia sẻ
Trao đổi với BizLIVE, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Lê Quân cho biết quy định mức đóng BHXH mới kể từ 1/1/2018 sẽ dựa trên khoản thu nhập ổn định, thường xuyên. Các khoản thu nhập không ổn định, thương xuyên và dựa vào năng suất... sẽ không phải đóng...
thu truong bo lao dong muc dong bao hiem xa hoi moi tu 2018 se tang nhung khong nhieu

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi, từ ngày 1/1/2018 sắp tới, người lao động đóng BHXH dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Để làm rõ hơn những băn khoăn xung quanh quy định mới này, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội.

thu truong bo lao dong muc dong bao hiem xa hoi moi tu 2018 se tang nhung khong nhieu

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội.

Từ 1/1/2018, với quy định đóng BHXH bắt buộc với các khoản bổ sung nhiều người lao ngại sẽ làm tăng chi phí cho các người sử dụng lao động, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện tại hợp đồng lao động của người lao động và chủ sử dụng lao động đã bao gồm hai khoản chính là tiền lương và các khoản phụ cấp. Các loại phụ cấp liên quan tới công việc mang tính chất thường xuyên, ổn định đã có trong hợp đồng và trong các quy chế cho nên từ năm 2017, doanh nghiệp đã đóng BHXH trên tất các khoản này.

Đối với các thu nhập bổ sung khác mang tính chất ổn định bắt buộc phải đóng từ năm 2018 thì chủ yếu hướng tới các khoản mà trước kia doanh nghiệp họ trả lương cho người lao động khoản lương 10 triệu đồng song lại “bóc” tách ra và gọi là khoản khác.

Các trường hợp đấy từ 1/1/2018 sắp tới sẽ phải đóng. Trước đây có thể do doanh nghiệp chưa hiểu đúng hoặc cũng cố tình để làm sao phải đóng BHXH cho người lao động ở mức thấp nhất có thể. Sắp tới chủ yếu tập trung xử lý các trường hợp này.

Lương người lao động chủ yếu bao gồm hai phần: phần cứng và phần mềm. Phần gắn với năng suất thì rõ ràng chúng ta cũng đâu có đưa vào diện bắt buộc phải đóng. Tôi lấy ví dụ, lương của phóng viên là 10 triệu, nhưng trong hợp đồng ghi 6 triệu thôi còn lại phụ thuộc vào kết quả đánh giá.

Chẳng hạn, nếu xếp loại theo năng suất, A (cao nhất) thì được 4 triệu, B được 3 triệu, C - thấp nhất được 2 triệu... thì rõ ràng tối thiểu người lao động sẽ được nhận 8 triệu và sẽ phải đóng trên khoản 8 triệu (thấp nhất có thể nhận được) này thay vì phải đóng 9 hay 10 triệu (các mức khi có năng suất cao).

Nhìn chung khái niệm khoản thu nhập ổn định, thường xuyên khác khá là mở, nhiều doanh nghiệp cơ bản cũng không đóng thêm. Chẳng hạn như tiền ăn trưa, tiền hoa hồng, tiền thưởng năng suất, thưởng Tết... đều không phải là đóng. Hay thậm chí nếu là phóng viên thì cũng chỉ phải đóng BHXH trên lương thôi, khoản nhuận bút cũng không phải đóng vì không ổn định, thường xuyên.

Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, về cơ bản chỉ đóng trên các khoản thu nhập ổn định, thường xuyên thôi. Mà ổn định, thường xuyên là gì? Là những khoản chúng ta có thể biết trước chắc chắn người lao động sẽ nhận được. Do vậy mức đóng mới có thể tăng nhưng không tăng nhiều.

Tôi cũng khẳng định không có chuyện đóng BHXH trên tổng thu nhập như một số ý kiến lo ngại. Nếu đóng trên tổng thu nhập tức là phải đóng trên bảng thuế thu nhập, nếu đóng như thế thì rất cao.

Theo như ông nói, điểm mới trong quy định về BHXH từ năm 2018 sẽ là việc doanh nghiệp sẽ phải đóng trên các khoản thu nhập ổn định, thường xuyên. Khái niêm này khá mở, vậy theo ông có lo ngại doanh nghiệp sẽ lách luật, bởi chúng ta sẽ có danh mục tới 14 khoản không bắt buộc phải đóng BHXH?

Nhìn chung theo tôi chuyện đó vẫn có thể xảy ra. Có thể họ tăng tiền ăn trưa hay tăng nhiều khoản khác lên để lách luật. Cuối cùng vẫn là thoả thuận của người lao động với chủ sử dụng lao động.

Chúng tôi có xem xét tính toán đến vấn đề này nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc thị trường thôi. Mà nguyên tắc của thị trường tức là thoả thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Luật đưa ra để bảo vệ quyền lợi người lao động sau này được hưởng một mức lương phù hợp nhưng người lao động vẫn thống nhất với chủ doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó. Chính vì vậy nhà nước cũng có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền cho người lao động hiểu hơn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thực tế có nhiều người lao động đi làm nhưng không có bảo hiểm xã hội. Thực tế đợt thanh tra vừa qua phát hiện có nhiều doanh nghiệp hàng nghìn lao động nhưng lại thống nhất với công nhân không đóng BHXH.

Công nhân thì họ có thu nhập thấp do vậy nghĩ không đóng BHXH một tháng có thêm vài trăm nghìn cũng tốt nên chấp nhận thoả thuận. Những điều đó thì Luật phải điều chỉnh. Người lao động khó khăn nên chấp nhận nhưng luật thì phải bảo vệ họ.

Hay có rất nhiều doanh nghiệp còn ký hợp đồng thời vụ 3 tháng đối với người lao động để trốn đóng BHXH. Vì khi đó người lao động thời vụ thì không phải đóng, do vậy giờ bắt buộc dù 1-3 tháng cũng phải đóng.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ứng về vấn đề này nhưng cái gì nó cũng có ưu và nhược điểm cả. Nhưng về cơ bản với quy định này sẽ đảm bảo được mức cơ bản cho người lao động, đặc biệt với những người yếu thế.

Việc đóng BHXH cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh doanh lợi nhuận của doanh nghiệp. Họ tính vào chi phí kinh doanh, nếu họ không đóng BHXH thì họ cũng phải đóng thuế lợi nhuận. Nếu kinh doanh tốt họ sẽ tăng mức đóng cho người lao động. Nhìn chung thực tế rất đa dạng.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có tỷ lệ đóng BHXH quá cao, thậm chí cao hàng đầu khu vực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ở Indonesia chẳng hạn, mức đóng BHXH rất thấp vì trước đây họ không có bảo hiểm xã hội, mới chỉ triển khai có 3 năm nay thôi. Họ còn đang muốn sang Việt Nam tham khảo kinh nghiệm vì mức cao thì người dân không tham gia còn thấp lại không đảm bảo.

Ở Việt Nam tỷ lệ đóng cao nhưng mức đóng thì rất thấp. Còn phụ thuộc chính sách an sinh của từng quốc gia. Nhiều quốc gia cho tự do đóng theo hình thức tiết kiệm, mỗi người có tài khoản anh đóng thế nào thì sau này sẽ căn cứ vào đó để hưởng. Do vậy, nhiều nước gọi là lương hưu nhưng chỉ có 28 USD vì mức đóng rất là thấp.

Tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam là 22% nhưng trên có 4,3 triệu. Hưởng lương hưu 50% thì chỉ có hơn 2 triệu thôi, cũng rất là thấp.

Cũng phải nói rõ hơn mức lương hưu bình quân của phụ nữ là 30 năm, nam giới là 25 năm, tức là tuổi thọ bình quân của người được hưởng lương hưu cao hơn nhiều so với tuổi thọ bình quân của cả nước, đây là cái cần được tính toán.

Bên cạnh đó tỷ lệ tham gia BHXH của Việt Nam rất thấp, mới chỉ có khoảng 13,4 triệu người lao động tham gia, tức là hơn 24% lực lượng lao động tham gia. Mục tiêu và chính sách đổi mới sắp trình Chính phủ là làm sao sắp tới cần làm sao phủ được sang khu vực phi chính thức và bảo hiểm tự nguyện.

Theo ông vì sao người dân còn chưa mặn mà với hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Có nhiều lý do nhưng lý do lớn nhất là tâm lý và thói quen thôi. Nhiều người dân có tâm lý đóng bảo hiểm mà chờ hơn 20 năm sau mới hưởng thì rất băn khoăn.

Đối tượng tự nguyên cũng có nhiều người ng thu nhập thấp, điều kiện tham gia cũng phải thoải mái. Khi thu nhập tốt thì người ta mới hay lo dự phòng cho tương lai. Sắp tới sẽ có những sửa đổi cho linh hoạt, không phải mức 20 năm mà có thể thấp hơn. Linh hoạt hơn là ở lhu vực chính thức thì không bắt buộc người ta đóng một mức mà nếu có thu nhập tốt thì đóng nhiều hơn mà thu nhập thấp thì có thể đóng ít đi...

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

14 khoản không bắt buộc đóng BHXH:

1. Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của bộ Luật lao động 2012

2.Tiền thưởng sáng kiến

3. Tiền ăn giữ ca

4. Tiền hỗ trợ xăng xe

5. Tiền hỗ trợ điện thoại 6. Tiền hỗ trợ đi lại

7. Tiền hỗ trợ giữ trẻ

8. Tiền hỗ trợ nhà ở

9. Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ

10. Tiền hỗ trợ người lao động có thân nhân bị chết

11. Tiền hộ trợ lao động có người thân kết hôn

12. Tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động

13. Tiền trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

14. Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khách ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

N.Mạnh