Phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch và bền vững
Năm 2023, những vụ lùm xùm liên quan đến hoạt động tư vấn, phân phối sản phẩm bảo hiểm khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vô hình chung bị ảnh hưởng.
Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm đã có hàng loạt chính sách, biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu minh bạch thị trường, nâng cao chất lượng tư vấn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Trong bối cảnh một năm “tác động kép” của khó khăn về kinh tế và khó khăn về “khủng hoảng niềm tin” của khách hàng, có những doanh nghiệp bảo hiểm vẫn kiên định với mục tiêu và xác định khó khăn là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để chuyển mình thay đổi, hướng đến phát triển bền vững.
Chia sẻ của ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính); ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin rõ nét hơn về thuận lợi, khó khăn và nỗ lực của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch và bền vững.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính): Tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Đến thời điểm hiện tại, căn cứ khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn thị trường. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm Luật, Nghị định và Thông tư.
Cụ thể, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15. Ngày 5/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô.
Ngày 6/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Nghị định số 46/2023/NĐ-CP). Ngày 2/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thông tư số 67/2023/TT-BTC vừa được ban hành đã đưa ra nhiều nhóm quy định; trong đó, có những quy định để tạo nền tảng cho những hoạt động mới của thị trường, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Để tăng tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng.
Thông tư quy định tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng.
Cùng đó, Thông tư có quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm thông qua các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và cung cấp.
Các ngân hàng hoạt động đại lý cũng phải thông tin rõ cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các dịch vụ, sản phẩm khác của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, để tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Thông tư quy định các yêu cầu tổ chức tín dụng phải thiết lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, phải có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý.
Quy trình này phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan.
Về phía doanh nghiệp, Thông tư có quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý; kịp thời phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên của tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm.
Chúng tôi hy vọng, với những giải pháp tổng thể như vậy, cùng với các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức tín dụng thì trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm sẽ được minh bạch hóa. Cùng với đó, chất lượng tư vấn bảo hiểm của nói chung cũng như của các tổ chức tín dụng cũng sẽ được nâng cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank: Vai trò của Bảo hiểm Agribank trong hệ sinh thái Ngân hàng Agribank là rất quan trọng
Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (Bảo hiểm Agribank) là công ty con tiêu biểu của Agribank hoạt động hiệu quả phát triển liên tục kể từ khi thành lập.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Agribank hướng tới mục tiêu phân tán và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư vốn vay, phát triển hoạt động cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời đa dạng các loại hình dịch vụ tài chính cho khác hàng, Bảo hiểm Agribank và các chi nhánh Agribank đã tích cực triển khai kênh phân phối liên kết ngân hàng - bảo hiểm (Bancassurance) trong suốt 16 năm qua.
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển các hoạt động dịch vụ là hướng trọng tâm của Agribank, theo đó Bảo hiểm Agribank đã đồng hành đảm bảo an toàn các chỉ tiêu tín dụng. Hoạt động của kênh phân phối ngân hàng - bảo hiểm đã đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Mới đây, Agribank và Bảo hiểm Agribank đã ký hợp đồng Tổng đại lý. Trong nhiều năm trước đây, Hợp đồng đại lý bảo hiểm được Bảo hiểm Agribank triển khai ký kết với các Tổng đại lý là các Chi nhánh Agribank loại 1 trên toàn quốc. Năm 2023 được sự nhất trí của Hội đồng thành viên Agribank và sự quan tâm chỉ đạo của Tổng giám đốc Agribank, Hợp đồng đại lý bảo hiểm được ký tập trung giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank.
Đây là một sự thay đổi rất lớn, là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank lên tầm cao mới. Hợp đồng đại lý bảo hiểm được ký kết giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank là nền tảng, điểm tựa vững chắc để Bảo hiểm Agribank vững niềm tin triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khai thác tiềm năng to lớn của Agribank và xác lập vị thế mới trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank cũng khẳng định vai trò của Bảo hiểm Agribank trong hệ sinh thái Ngân hàng Agribank là rất quan trọng. Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa Agribank và Bảo hiểm Agribank nhằm cụ thể hóa một cách bài bản có hệ thống những nội dung, chương trình đã, đang và sẽ hợp tác, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của hệ sinh thái Agribank thông qua việc bảo vệ nguồn vốn, khách hàng.
Qua đó giúp đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, gia tăng tiện ích cho khách hàng, tăng nguồn thu dịch vụ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Agribank nói chung và các công ty con nói riêng. Hoạt động bảo hiểm đã hỗ trợ sự lưu thông của dòng vốn tín dụng, đặc biệt tại khu vực nông thôn khi đảm bảo khả năng chi trả nợ vay, giảm nợ xấu. Bảo hiểm Agribank chính là công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu và hiệu quả cho Agribank.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm Agribank: Đánh dấu bước chuyển mình, hướng đến hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững
Đến nay, Agribank và Công ty Bảo hiểm Agribank đã từng bước phát triển và nhân rộng mô hình kênh phân phối, đưa Bảo hiểm Agribank khẳng định vị thế TOP 10 trên bản đồ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với hơn 3 triệu lượt hộ nông dân và hàng chục nghìn doanh nghiệp, trong đó phần lớn là nông dân, ngư dân, diêm dân.
Đó cũng là lý do tại sao người dùng ví Bảo hiểm Agribank như một chiếc khiên vững chắc, bởi Bảo hiểm Agribank luôn nhấn mạnh sứ mệnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, luôn đồng hành và bảo vệ khách hàng trên mọi chặng đường.
Với định hướng xuyên suốt thị trường mục tiêu của Bảo hiểm Agribank là lĩnh vực nông nghiệp và khu vực tam nông, trong đó yếu tố cốt lõi làm nên sự phát triển của Bảo hiểm Agribank là kênh phân phối Bancassurance (Ngân hàng - Bảo hiểm) với các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của cả khách hàng và Agribank.
Hiện nay, Bảo hiểm Agribank là đơn vị tiên phong triển khai kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đặc biệt Bảo an tín dụng - Bảo hiểm tính mạng và sức khỏe cho người vay vốn với gần 2 triệu khách hàng tham gia, là sản phẩm thành công nhất của Bảo hiểm Agribank qua kênh phân phối Bancassurance với Agribank, gồm 2.300 phòng giao dịch và hơn 30.000 đại lý viên trên toàn quốc.
Bảo hiểm Agribank là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu trong lĩnh vực triển khai kênh phân phối Bancassurance tại Việt Nam. Với kênh bán hàng rộng lớn của mô hình Bancassurance, Bảo hiểm Agribank nỗ lực truyền tải ý nghĩa của sản phẩm bảo hiểm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ người dân hiểu và tin tưởng bảo hiểm bảo vệ sản xuất, kinh doanh, đưa công nghệ thông tin vào hoạt động bán hàng và giải quyết bồi thường.
Đến nay, Bảo hiểm Agribank đã giải quyết gần 300 nghìn hồ sơ với tổng giá trị bồi thường là 5.6872 tỷ đồng, góp phần giúp các cá nhân, hộ vay vốn trả nợ vay ngân hàng, đủ điều kiện tái vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây thực sự là tấm lá chắn về tài chính cho các tổ chức và cá nhân ở khu vực tam nông trước các rủi ro, giúp các nhà đầu tư yên tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến 30/11/2023 Bảo hiểm Agribank cơ bản đã hoàn thành một số chỉ tiêu của đề án chiến lược 2021-2025. Cụ thể như: Về bộ máy và phát triển mạng lưới, Công ty đã có 19 chi nhánh và 1 Ban trù bị thành lập chi nhánh (dự kiến hoạt động chính thức từ 01/01/2024), hoàn thành chỉ tiêu 20 chi nhánh theo đề án chiến lược.
Vốn điều lệ Bảo hiểm Agribank đạt 723 tỷ đồng vào 31/12/2023, hoàn thành lộ trình tăng vốn lên 700 tỷ đồng theo đề án chiến lược. Chi trả cổ tức năm 2023 là 51,34%/năm, hoàn thành chỉ tiêu cổ tức tối thiểu 14%/năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu 11 tháng đầu năm 2023 ROE là 16%/năm, đạt chỉ tiêu ROE tối thiểu 15% theo đề án chiến lược.
Bảo hiểm Agribank đang thực hiện sắp xếp bộ máy tại Trụ sở chính để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện lập đề án nâng cấp mô hình lên Tổng Công ty trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo hiểm Agribank cũng sẽ thực hiện lên sàn giao dịch chứng khoán vào thời điểm thích hợp trong giai đoạn 2021 - 2025.
Có thể nói, năm 2023 sắp qua đi là một năm với những biến động lớn, khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.
Với Bảo hiểm Agribank, cơn “khủng hoảng niềm tin” khách hàng đối với bảo hiểm thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho kênh bancassurance phát triển, tận dụng ưu thế mạng lưới, để từ đó khai thác tiềm năng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, nỗ lực chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông… để đẩy mạnh doanh thu kinh doanh.
Năm nay cũng là năm đánh dấu những bước chuyển mình, những thay đổi của Bảo hiểm Agribank để thích ứng với mọi hoàn cảnh, hướng đến hoạt động hiệu quả hơn nữa và phát triển bền vững.