|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ĐBQH đề xuất ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới khi bán bảo hiểm

07:00 | 24/11/2023
Chia sẻ
Các Đại biểu Quốc hội đề xuất cần điều chỉnh luật theo hướng nâng cao trách nhiệm của ngân hàng trong việc bán bảo hiểm hoặc có thể cấm hoạt động này do xung đột lợi ích.

Chiều ngày 23/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong phần tham luận, nhiều Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa đề xuất không cho phép tổ chức tín dụng liên kết với công ty bảo hiểm, khiến nảy sinh trường hợp giao chi tiêu cho nhân viên vận động khách hàng mua bảo hiểm.

Ông Hòa lấy ví dụ về vụ việc xảy ra tại Manulife vừa qua, gây bức xúc cho khách hàng cũng như làm giảm niềm tin với thị trường bảo hiểm. Ông cũng phản ánh thực trạng về việc người dân đến khiếu nại bảo hiểm thì ngân hàng trả lời “không biết, không có trách nhiệm, còn người môi giới ngân hàng đã cho nghỉ việc lâu rồi”. 

Đại biểu Hòa cho rằng nếu muốn được cho phép liên kết, ngân hàng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp có sự cố, tranh chấp xảy ra với khách hàng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội).

Ông Phạm Văn Thịnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cũng kiến nghị cần cân nhắc về việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Theo ông, vấn đề trên về mặt lý luận sẽ tạo ra xung đột lợi ích và cũng đã được chứng minh trong thực tiễn vừa qua.

“Mức chiết khấu từ 70% đến 80% cho doanh thu phí bảo hiểm trong hai năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ tử kỳ hỗn hợp là rất hấp dẫn và khó cưỡng lại được, khiến việc kiểm soát rất khó khăn”, ông nói. 

Đại biểu cho rằng bên cạnh việc là ngân hàng là đại lý phát hành chứng khoán hoặc các sản phẩm khác, cũng cần cân nhắc về việc cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm.

Về quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng, ông Thịnh cho biết thế yếu thường rơi về phía khách hàng. Do đó, Đại biểu đề nghị cần có cơ chế để bảo vệ quyền lợi của người yếu thế. 

Sau khoảng hai quý kể từ cuộc khủng hoảng niềm tin, thị trường bảo hiểm vẫn chưa thể phục hồi. Thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm có ngân hàng đã giảm tới 80% trong 9 tháng đầu năm.

Sau khủng hoảng niềm tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, bao gồm cả hoạt động bancassurance.

Đầu tháng 10, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã thanh tra xong 6 doanh nghiệp bảo hiểm, đang làm việc với Manulife và một công ty khác. Dự kiến đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch. 

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hoàn thiện hơn các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm. Cụ thể, Thông tư 67 yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng. 

Ngoài ra, để bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, Thông tư số 67 bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).