|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ KH&CN: 'Mấy ông giàu nhất Việt Nam hầu hết từ bất động sản'

14:44 | 25/11/2019
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, ở những nước EU và Bắc Mỹ, top 10 người giàu nhất của họ chỉ có hai đối tượng: là những nhà sản xuất (như Boeing, Airbus,…), hoặc những nhà công nghệ mới nhất như Microsoft, Facebook, Google...

Ngoài hai nhóm đối tượng trên, chỉ có một phần còn lại là những người làm dịch vụ ở tầm cao như tài chính, ngân hàng, hoàn toàn không có những tỷ phú được hình thành từ bất động sản.

“Trong khi đó, ở Việt Nam ta lại khác hẳn khi mấy ông giàu nhất Việt Nam hầu hết từ bất động sản,” – Thứ trưởng Bộ KH&CN nói tại buổi họp báo công bố các hoạt động nhân dịp 60 năm thành lập Bộ KH&CN.

“Gần đây các doanh nghiệp này bắt đầu quan tâm đến một số lĩnh vực khác, nhưng hầu hết hiện nay họ vẫn là những doanh nghiệp bất động sản.”

Thứ trưởng Bộ KH&CN: 'Mấy ông giàu nhất Việt Nam hầu hết từ bất động sản' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc.

Ngay bên cạnh Việt Nam chúng ta, Thứ trưởng Phạm Công Tạc lấy ví dụ, Trung Quốc lại khác hoàn toàn khi danh sách 10 người giàu nhất của họ có đến 8 người làm về công nghệ, và chỉ có duy nhất một người liên quan đến bất động sản.

“Đây là sự thể hiện khác về đẳng cấp khi có những tỷ phú tạo ra những tập đoàn hàng đầu như Alibaba, Xiaomi, Huawei,… nhưng chỉ có duy nhất một tỷ phú làm về bất động sản, người còn lại làm trong lĩnh vực ngân hàng” – ông Phạm Công Tạc nói.

Do đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN nói ông rất mừng khi Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp lớn như ViettelVingroup đã có sự đầu tư mạnh mẽ, bài bản cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, đơn vị vừa khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart đồng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. 

Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối thông minh VinSmart của Vingroup công suất thiết kế hơn 20 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng trên diện tích đất 10ha.

Ngoài Vingroup, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng vừa được cấp phép dự án nghiên cứu – sản xuất công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đó là: 

CTCP Dược phẩm Trung ương với dự án “Sản phẩm thuốc tân dược, thuốc dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn GMP EU” với tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng trên diện tích 3ha; CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (một tập đoàn do ông Hồ Xuân Năng – người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam làm Chủ tịch) với dự án “Xây dựng và sản xuất vật liệu mới”, tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng trên diện tích 2ha; CTCP Hub Energy với dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu mới, vật liệu nano phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, có tổng mức đầu tư 563 tỷ đồng trên diện tích 1,5ha.

Hiện nay, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ đã cơ bản được hoàn thiện với các luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ KH&CN: 'Mấy ông giàu nhất Việt Nam hầu hết từ bất động sản' - Ảnh 2.

Vingroup là tập đoàn BĐS hiếm hoi có sự dịch chuyển và đầu tư bài bản cho khoa học và công nghệ. Ảnh: Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại Vinsmart.

Có thể nói, kể từ khi thành lập Ủy ban Khoa học và Công nghệ vào năm 1959 (tiền thân của Bộ KH&CN ngày nay), chưa bao giờ nội dung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được tập trung chỉ đạo cụ thể trong nhiều Nghị quyết của Đảng như giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Tuân