|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu phí cảng biển tại Hải Phòng: Doanh nghiệp Nhật thấy 'choáng'

20:04 | 13/02/2017
Chia sẻ
"Chi phí như vậy quá cao, tất cả chi phí từ đến kho cảng chất hàng, phí vận chuyển ra tận cảng, chi phí đường bộ cảng biển chi hết 4 triệu đồng cho một container 400 feet, nhưng riêng đoạn đường ngắn nối từ cao tốc ra đến cảng Hải Phòng phải nộp 500.000 đồng. Các doanh nghiệp Nhật Bản không hiểu điều gì đang diễn ra ở đây", bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản chia sẻ.
thu phi cang bien tai hai phong doanh nghiep nhat thay choang
Thu phí cảng biển tại Hải Phòng: Doanh nghiệp Nhật Bản thấy 'choáng'. Ảnh: L.Thủy

Đây là chia sẻ của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại buổi họp nhóm Công tác về quy định công tác thu phí cảng biển Hải Phòng do Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) chủ trì ngày 13/2.

Điều tra của Cục xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, 65% doanh nghiệp Nhật Bản rất lo ngại về pháp luật Việt Nam khi đưa ra quyết định yêu cầu tất cả các hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp thêm phí dịch vụ hạ tầng cảng biển cho thành phố.

Nguyên nhân của việc lo ngại này, theo phân tích của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó tổng Thư ký VPSF đến từ việc nội dung quy định hoàn toàn áp đặt khi chưa qua đánh giá tác động, lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 13/12/2016, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng ra Nghị quyết, đến ngày 31/12 triệu tập các đơn vị để phổ biến ngay hôm sau (1/1/2017) đã tiến hành áp dụng. "Nghị quyết này ban hành đột ngột và tùy hứng", bà Thủy nhận xét. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam "sợ hãi" trước sự thay đổi thường xuyên, bất ngờ và họ không biết cách nào để thích ứng.

Chứng minh điều này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, bà Đào Thị Thu Huyền chia sẻ: "Chi phí như vậy quá cao, tất cả chi phí từ đến kho cảng chất hàng, phí vận chuyện ra tận cảng, phí đường bộ cảng biển chi hết 4 triệu đồng cho một container 400 feet, nhưng riêng đoạn đường ngắn nối từ cao tốc ra đến cảng Hải Phòng phải nộp 500.000 đồng. Các doanh nghiệp Nhật Bản không hiểu điều gì đang diễn ra ở đây".

Đặc biệt, khi các khoản phí của Hải Phòng không được minh bạch rõ ràng. "Họ hiểu việc không thể thu phí khi chưa làm xong cơ sở hạ tầng, chưa kể phải rõ các khoản thu phí là gì và vấn đề về giá các khoản thu đó", bà Huyền nói.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, nếu thật sự cần thiết thu phí phải làm một cuộc điều tra phân tích rõ ràng về cần bao nhiêu chi phí làm những công việc gì và cần thu trong bao nhiêu để bù đắp chi phí cho Hải Phòng.

Bên cạnh đó, đại diện VPSF còn lo ngại việc tăng các khoản phí ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các khoản phí tăng, nhìn rõ tiến trình lỗ trong năm 2017 nhưng doanh nghiệp không thể đàm phán lại giá cả vì hợp đồng đều đã kí kết ngắn cũng trong vòng một năm, dài có thể từ 3 - 5 năm.

Thời gian nộp các khoản thuế phí này rất thủ công, từ khâu chuẩn bị đến nộp phí xong mất từ 2 - 3 giờ đồng hồ. Cá biệt có khoảng 20% các doanh nghiệp sau khi thực hiện xong thủ tục đã là cuối giờ chiều, phải thuê thêm kho bài chờ tới hôm sau.

"Chỉ bằng một quyết định này của Hải Phòng đã làm đổ xuống sông xuống biển nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ suốt thời gian qua", bà Phạm Thị Ngọc Thủy nhận xét.

Bà Thủy cũng chỉ ra, trong toàn bộ khoảng thời gian hàng lưu kho này, các doanh nghiệp phải chịu lãi suất ngân hàng đối với lô hàng gửi. Theo tính toán của các chuyên gia, ngoài phí nộp cho Hải Phòng, các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu thêm tầm 15,2 triệu USD/năm chi phí lưu kho bãi, lãi suất tiền gửi, chi phí thực hiện thủ tục nộp phí. Chưa kể các chi phí không lượng hóa được do chậm đơn hàng bị phạt họp đồng, mất uy tín...

Tổng mức thu phí cửa khẩu cảng biển của Hải Phòng năm 2017 dự kiến là 1.500 tỷ nhưng theo số liệu tính toán nhanh của các Hiệp hội doanh nghiệp và cả Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian áp dụng thu phí thì năm 2017, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ.

Bà Thủy cũng cho rằng quyết định của Hải Phòng sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách tài khóa quốc gia. "Mỗi địa phương bỏ túi mấy nghìn tỷ tiền phí thì ngân sách Trung ương sẽ mất đi 20% trong số đó. Khi đó không còn là câu chuyện của địa phương nữa, đặc biệt trong giai đoạn yêu cầu chính sách tài khóa thắt chặt hiện nay".

Hải quan Hải Phòng bị tuýt còi khi yêu cầu giấy phép con khi thông quan

Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan TP. Hải phòng không được yêu cầu doanh nghiệp nộp hoặc xuất trình các chứng từ, giấy tờ khác ngoài các chứng từ trong hồ sơ hải quan.

Thông báo này được đưa ra sau khi nhận được phản ánh liên quan đến việc Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Hải Phòng theo thông báo số 1548/TB-UBND ngày 21/12/2016 của UBND quận Hải An.

Giấy tờ thu phí trên sẽ nằm trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Do đó, ngày 10/1, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 221/ TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TP. Hải Phòng về vụ trên.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, hồ sơ hải quan đối ới hàng hóa thuộc đối tượng nói trên không bao gồm giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển.

Liên quan tới việc thu phí hạ tầng, dịch vụ cảng biển, trước đó, ngày 13/12/2016, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND quyết định về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Quy định này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quyết định.

Một số Bộ, ngành đã có cuộc họp liên quan tới vụ việc trên và đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Thái Hoàng