|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thực hư việc 15 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc

17:40 | 13/09/2019
Chia sẻ
Đại diện VASEP cho biết 15 doanh nghiệp này thực chất là không đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc vì những lí do như đã giải thể hoặc một số nguyên nhân khác.

Mới đây, chuyên trang thủy sản Undercurrent News đưa tin về việc Trung Quốc ra lệnh cấm đối với 15 công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam, theo sau lệnh tạm dừng xuất khẩu đối với hai nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Ecuador.

Undercurrent News dẫn thông báo ngày 6/9 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết hai nhà chế biến cá tra của Việt Nam là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận An III (Agifish và Tafishco) không được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra trong danh sách còn có 13 công ty sản xuất tôm của Việt Nam.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, người viết đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). 

Ông Hòe cho biết đây không phải là lệnh cấm mà thực chất đây là những doanh nghiệp không đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do đã giải thể, hoặc những lí do khác như chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ những năm trước đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ Tổng cục thuế, có ít nhất hai trong số 15 doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động.

Trong đó có Xí nghiệp chế biến thực phẩm Quốc Hải - Công ty TNHH Quốc Hải NNT ngừng hoạt động (nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế) từ ngày 17/9/2015 và Phân xưởng Chế biến Thủy sản Gành Hào đã ngừng hoạt động (và đóng mã số thuế) từ tháng 12/2014.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-13 lúc 16

Xí nghiệp chế biến thực phẩm Quốc Hải - Công ty TNHH Quốc Hải tạm dừng hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động từ ngày 17/9/2015. (Nguồn: Thông tin Công ty tại Bạc Liêu)

91TF8alB

Phân xưởng Chế biến Thủy sản Gành Hào tạm dừng hoạt động từ tháng 12/2014. Nguồn: Thông tin Công ty tại Bạc Liêu.

Hay "đại gia" một thời Công ty Cổ Phần Chế Biến Thực Phẩm Phương Nam, vỡ nợ từ năm 2013. 

thuy-san-phuong-nam

Công ty Phương Nam tiền thân là Công ty TNHH Phương Nam, thành lập năm 1998 và trở thành công ty cổ phần sau đó hai năm với vốn điều lệ 295 tỉ đồng.

Ngoài cựu Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, ba cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ (vợ ông Khuân), con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn).

Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Phương Nam được nhiều ngân hàng cho vay vốn kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân đã sử dụng vốn để trả nợ, kinh doanh bất động sản, liên doanh - liên kết đầu tư với Công ty KM Phương Nam do chính ông này làm Chủ tịch HĐTV và chiếm hưởng trên 52 tỉ đồng.

Thua lỗ 5 năm liên tục dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Cuối năm 2013, ông Khuân trốn ra nước ngoài, bỏ lại khoản nợ khoảng 1.600 tỉ đồng.

Công ty sau đó hoạt động hiệu quả trở lại dù cơ quan chức năng xác định Công ty Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền 638 tỉ đồng. Số tiền này cha, con ông Khuân đã chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Nguyên kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn và nguyên Phó Giám đốc Công ty Phương Nam Trịnh Thị Hồng Phượng (hai thuộc cấp thời ông Khuân), sau đó lĩnh 18 và 16 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ông Hòe cho biết trước đó Việt Nam đã gửi danh sách hơn 600 doanh nghiệp thủy sản sang Trung Quốc để xem xét phê duyệt, trong đó có 15 doanh nghiệp này. Mỗi năm Trung Quốc sẽ cập nhật danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản một lần. 

"Do đó, thông tin 15 doanh nghiệp không được xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là hết sức bình thường chứ không nghiêm trọng như báo chí nước ngoài đưa tin".

Danh sách đề xuất hơn 600 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc (nguồn: VASEP):


15 doanh nghiệp không đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, theo trang Undercurrent News

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thuận An - Doanh nghiệp Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Thuận An III (TAFISHCO)

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang, Nhà máy 8 (Công ty AGIFISH)

Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Đại dương xanh toàn cầu (GLOCESE BLUE)

Công ty Cổ phần Thủy sản Sao Biển (SACOIMEX)

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản K&K

Công ty TNHH Thành Phương Minh Nhật

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Minh (BMF)

Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu - Chi nhánh Gành Hào

Công ty TNHH An Khang

Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Phương Nam

Công ty TNHH Hải Phú

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phi Long

Xí nghiệp chế biến thực phẩm Quốc Hải - Công ty TNHH Quốc Hải

Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thạnh Trị (TSF Co., Ltd.)

Công ty TNHH Duy nhất cá Việt Nam

Đức Quỳnh