Thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015
Kho bạc Nhà nước đang 'rủng rỉnh', ai mừng, ai lo? | |
Chi NSNN cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn mức thu |
Chiều 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015.
Theo kết quả biểu quyết, số ĐB tham gia là 461 (93,89% tổng số ĐBQH). Số ĐB tán thành là 454 (92,46% số ĐBQH tham gia biểu quyết). Số ĐB không tán thành là 5 (1,02%) và số không biểu quyết là 2 (0,41%).
Theo báo cáo trước đó, tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng. Chi cân đối NSNN 1.502.189 tỷ đồng. Các số liệu được kiểm toán lý giải, quyết toán cân đối NSNN đã bao gồm số hoàn thuế giá trị gia tăng 7.452 tỷ đồng vượt dự toán và khoản ghi thu ghi chi 3.552,2 tỷ đồng từ nguồn thu sắp xếp nhà đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngoài dự toán chi.
Như vậy, con số bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực hiện (bội chi Ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,10% GDP thực hiện).
Cũng trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cho biết con số nợ công được xác định là đến 31/12/2015 là 2.556.039 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại báo cáo của Chính phủ về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020, nợ công đến 31/12/2015 là 2.608.421 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, con số nợ công đã giảm đi giảm 52.382 tỷ đồng so với báo cáo.
Thay vì nợ công bằng 62,2% GDP như tính toán của Chỉnh phủ, Kiểm toán Nhà nước xác định thực chất nợ công năm 2015 chỉ bằng 61% GDP, thấp hơn mức trần nợ được Quốc hội phê duyệt.
Kể cả tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công cũng chỉ là 2.589.429 tỷ đồng, bằng 61,8% GDP. Nợ Chính phủ 2.098.022 tỷ đồng, bằng 50% GDP.
Về công tác lập dự toán thu NSNN, theo UBTVQH, vẫn xảy ra tình trạng một số địa phương xây dựng dự toán thu còn thiếu tích cực, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn. Nguyên nhân là bởi chất lượng công tác dự báo còn hạn chế thì, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới biến động bất thường nên một số khoản thu phát sinh đột xuất vào những tháng cuối năm nên khó dự báo chính xác.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng dự toán thu NSNN, đặc biệt cần nắm bắt, đánh giá đầy đủ các thông tin về sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng dự toán thu NSNN đầy đủ, sát thực tế, khắc phục những hạn chế như ĐBQH đã nêu.
UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác dự toán thu NSNN. Ảnh: Kinhtevadubao. |
Về cơ cấu thu NSNN, theo UBTVQH, mặc dù tỷ lệ thu nội địa đã tăng, song chỉ chiếm 66,5% tổng thu NSNN, cơ cấu thu NSNN năm 2015 chưa thật sự bền vững khi thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ đất đai, thu từ dầu thô vẫn chiếm một tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn thu vào NSNN còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế trong nước không đạt kế hoạch đề ra dẫn đến thu từ sản xuất kinh doanh nội địa tăng không cao còn do công tác quản lý thu, khai thác nguồn lực kinh tế để tăng thu chưa hiệu quả.
UBTVQH đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thu phù hợp, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XII.
Về cơ chế thu NSNN đơn vị hạch toán toàn ngành, UBTVQH cho rằng mô hình hạch toán độc lập hay phụ thuộc là do doanh nghiệp quyết định dựa vào tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh.
Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, người nộp thuế thực hiện theo mô hình hạch toán tập trung kê khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính bao gồm cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc nếu đơn vị không xác định được doanh thu - chi phí, thu nhập chịu thuế.
Trường hợp đơn vị trực thuộc là cơ sở sản xuất thì phân bổ thuế TNDN cho các địa phương theo tỷ lệ chi phí. Do trong thực tế có một số bất hợp lý khi thực hiện cơ chế này, Luật NSNN 2015 đã bỏ quy định NSTW hưởng 100% thuế TNDN đơn vị hạch toán toàn ngành.
Theo đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả các doanh nghiệp được chia cho địa phương theo quy định (trừ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí). Vì vậy, từ năm 2017 sẽ bảo đảm phân chia nguồn thu hợp lý giữa trung ương và địa phương, khắc phục những hạn chế trước đây như ý kiến ĐBQH đã nêu.
Về việc thu lợi nhuận từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo UBTVQH, phần lợi nhuận còn lại cũng thuộc sở hữu nhà nước nhưng từ năm 2013 trở về trước, Nhà nước không thu vào ngân sách mà để lại tăng đầu tư cho DNNN.
Trong những năm gần đây, nhu cầu chi đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh tăng cao, trong khi thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh còn khó khăn.
Để bảo đảm cân đối NSNN, hạn chế tăng nhanh nợ công, năm 2015, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định tiếp tục thu vào NSNN cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước.
Bên cạnh đó, phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ cũng được thu vào NSNN. Các khoản thu này đã được quy định rõ trong Luật NSNN năm 2015.