|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc NHNN: Sẽ khắt khe hơn với người quản trị, điều hành ngân hàng

16:47 | 17/01/2017
Chia sẻ
Sẽ có những quy định khắt khe hơn với người tham gia điều hành ngân hàng, cũng như các thay đổi cụ thể để ngành kinh doanh tiền về đúng quỹ đạo và sứ mệnh của mình.

Đó là thông điệp đáng chú ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng sáng nay, 17-1.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trên địa bàn TPHCM diễn ra hôm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ với giới lãnh đạo ngân hàng một số định hướng mà cơ quan điều hành đang và sẽ tập trung thực hiện.

“Sẽ có những quy định khắt khe hơn với người tham gia điều hành ngân hàng. Ví dụ như anh phải chứng minh chi tiết rõ ràng nguồn gốc tiền đầu tư mua cổ phần vào ngân hàng. Nếu vi phạm ở mức độ nào đó anh vĩnh viễn không được điều hành ngân hàng nữa”, ông phát biểu trước các CEO ngân hàng.

“Vừa qua có những sai phạm do công tác thanh tra phát hiện đều có vi phạm như trên, nên vấn đề là cần có những quy định rõ ràng để ngăn ngừa việc thao túng, sử dụng tài sản của ngân hàng cho một nhóm công ty liên quan”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói. “Mọi việc tới đây phải rõ ràng minh bạch để đảm bảo đúng quy định và vì thế mới có thể kỳ vọng hệ thống ngân hàng lành mạnh và an toàn, bền vững hơn”.

Luật riêng cho tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu

Cụ thể hơn về tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng, cho biết đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng giai đoạn II (2016-2020) sẽ hoàn thành và trình Chính phủ, Bộ Chính trị với các bước rất chi tiết, mạnh dạn và cụ thể. “Sau khi có quyết định của Chính phủ, chúng tôi sẽ triển khai đến từng tổ chức tín dụng để xây dựng đề án cho riêng tổ chức mình trong 5 năm tới. Mỗi tổ chức cần đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể và báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thực hiện”.

“Riêng đề án tái cơ cấu với 3 ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng TMCP Đông Á và Ngân hàng TMCP Sacombank sau sáp nhập (với Ngân hàng TMCP Phương Nam) hiện đã hoàn thiện và trình Chính phủ với các bước rất kỹ lưỡng và chi tiết. Sau khi Chính phủ phê duyệt sẽ được thực hiện manh mẽ và tôi tin rằng các vấn đề tồn tại sẽ được giải quyết. Với đề án này, tôi cho rằng chúng ta có đầy đủ công cụ kiểm soát các hoạt động của các ngân hàng này và củng cố lòng tin của người gửi tiền, nền kinh tế, đem lại sự phát triển lành mạnh và bền vững hơn cho tổ chức tín dụng”.

Nhìn lại năm 2016, ông thừa nhận đã có nhiều kết quả khả quan với ngành ngân hàng nhưng vẫn còn tồn tại các yếu kém và thậm chí sai phạm, vì thế cần chỉ ra để khắc phục và mạnh dạn đưa vào các đề án để thực hiện.

Liên quan đến tái cơ cấu ngành ngân hàng, ông cũng chia sẻ, một điểm quan trọng là về quy phạm pháp luật. Cần có thêm luật mới, thay đổi luật để tiến trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu được thông (dự kiến sẽ làm một luật chung trong đó sửa một loạt các luật liên quan-PV). Đó là việc luật hóa một số quy định để tổ chức tín dụng có đầy đủ thẩm quyền và công cụ xử lý nợ và tài sản bảo đảm liên quan đến khoản nợ; thay đổi các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng và một số luật đã có nhưng chưa rõ ràng về thẩm quyền, chức năng và công cụ.

“Khi có luật riêng cho tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, chúng ta sẽ làm nhanh hơn và đảm bảo hơn. Chúng tôi đã tổng kết, có khoảng 13-14 luật cần sửa đổi, như Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Dân sự… sẽ báo cáo Quốc hội và Chính phủ để bổ sung. Khuôn khổ văn bản pháp quy của ta còn những điểm thiếu và chưa đồng bộ, cần áp dụng các tiêu chuẩn mới mạnh mẽ hơn, đúng thông lệ quốc tế hơn”, ông nói. “Sửa các quy định để bảo vệ quyền của tổ chức tín dụng cũng chính là bảo vệ người đi vay và người gửi tiền tại ngân hàng bởi vì có một nhóm người đã vay và không chịu trả tiền làm ách tắc dòng tiền gửi của số đông. Tới đây, chúng tôi sẽ có chỉ đạo rõ ràng, cụ thể và quán triệt các vấn đề này theo các chỉ thị của Thống đốc sẽ ban hành”.

Nợ xấu: ưu tiên trích dự phòng

Điểm thứ hai trong thông điệp được nhấn mạnh của Thống đốc Lê Minh Hưng là xử lý nợ xấu. Ông cho rằng tăng cường trích lập là yếu tố đầu tiên cần tập trung làm trong năm nay. Các tổ chức nào có lợi nhuận, có thu nhập thì phải tăng cường trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Yếu tố thứ hai mới là giải quyết các vướng mắc về pháp luật hiện hành để giải quyết quyền lợi của người cho vay và các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm bất động sản. Năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ làm quyết liệt và đây là điểm mấu chốt trong xử lý nợ.

“Tôi đã báo cáo Viện Kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong thực thi giải quyết tài sản bảo đảm, về việc các cấp khác nhau vẫn nhìn nhận và áp dụng luật, xử lý khác nhau với tài sản bảo đảm của khoản nợ nên chúng tôi phải đề nghị lãnh đạo cao cấp nhất của ngành chỉ đạo thống nhất toàn ngành”, ông cho biết thêm.

Vấn đề thứ ba của ngành ngân hàng, theo người đứng đầu là trong cơ cấu tín dụng có rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Hệ thống tài chính Việt Nam vẫn là đơn vị cung ứng vốn cho nền kinh tế, 51% tổng tín dụng cấp ra là vốn trung dài hạn nhưng tại các ngân hàng chỉ có 12-15% trong tổng vốn huy động là vốn trung, dài hạn.

“Chúng ta đã có lộ trình sửa đổi, tới đây sẽ xem xét vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở các tổ chức tín dụng nghiêm túc hơn nếu không các ngân hàng sẽ chịu rủi ro cao khi bị các yếu tố bên ngoài tác động”, theo lời ông Lê Minh Hưng.

thong doc nhnn se khat khe hon voi nguoi quan tri dieu hanh ngan hang

Thứ tư, trong nội tại các tổ chức tín dụng, Thống đốc cho biết qua thanh tra chỉ ra rất rõ còn nhiều sai phạm ngay trong quản trị điều hành của tổ chức, tại các chi nhánh vẫn còn các vi phạm bị xử lý hình sự và toàn ngành cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật. Tới đây cơ quan thanh tra cần tăng cường giám sát ngành chặt chẽ hơn.

Cụ thể hơn về công việc trong năm 2017, Thống đốc chia sẻ với lãnh đạo các ngân hàng rằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 18%, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm phân bổ mức tăng trưởng tín dụng đến từng tổ chức tín dụng để mỗi tổ chức có cơ sở hoạch định chỉ tiêu năm nay của mình.

Lãi suất đang đứng trước áp lực, ở giữa nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu còn mâu thuẫn. Vì vậy trong điều hành lãi suất Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng công cụ để kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất, tập trung tiết giảm chi phí và giữ ổn định hoặc giảm lãi suất.

Tỷ giá và ngoại tệ cũng có nhiều áp lực và khó đoán, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đảm bảo đúng mục tiêu đã đặt ra.

“Với mục tiêu GDP 6,7% và lạm phát 4%, tôi khẳng định trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tập trung kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định vĩ mô. Đó là mục tiêu xuyên suốt”, người đứng đầu ngành ngân hàng nói.

Hồng Phúc