Thống đốc BOJ Kuroda: Fintech đe dọa sự ổn định của nền tài chính
Theo Reuters, cơ quan quản lý tài chính điều tiết hoạt động ngân hàng bằng cách áp những hạn chế lên bảng cân đối kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại, bao gồm cả việc thiết lập các yêu cầu về vốn và tiêu chuẩn thanh khoản. Tuy nhiên, ông Kuroda cho rằng các công cụ quản lý như vậy có thể không còn hiệu quả trong việc quản lý các doanh nghiệp fintech - chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán, hay đáp ứng cung và cầu của các quỹ mà không sử dụng tài sản của chính mình.
"Như vậy, cơ quan quản lý tài chính đang đối mặt với những thách thức mới trong việc thu thập thông tin và duy trì ổn định tài chính", ông Kuroda nói.
Theo đó, công nghệ thông tin mới cũng khiến mạng lưới tài chính mở hơn và các cuộc tấn công mạng tinh vi hơn, buộc các nhà chức trách phải tăng cường các biện pháp an ninh.
Đưa ra những dẫn chứng cho thấy các loại hình giao dịch tài chính mới như giao dịch với tần suất và thuật toán cao có xu hướng làm tăng biến động thị trường, ông Kuroda cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải tăng cường hiểu biết sâu hơn về tác động của chúng tới thị trường tài chính.
Francois Villeroy de Galhau, nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), người có bài phát biểu tại cùng hội thảo cũng cảnh báo về "tính nhạy cảm" trong việc đối phó với sự phát triển của fintech. Theo ông Villeroy, chúng ta không nên hy sinh niềm tin và an toàn của người tiêu dùng bởi nếu chúng giảm đi... sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển dài hạn của fintech. Các nhà hoạch định chính sách cần điều hành hoạt động của các fintech và những đối tượng tham gia thị trường tài chính bất kể họ là ai, Villeroy bổ sung.
Fintech, các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới để cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiệu quả hơn đang là tâm điểm chú ý của toàn thế giới bởi nó hứa hẹn hay nói cách khác là mối đe dọa có thể phá vỡ hoạt động tài chính truyền thống. Fintech trở nên phổ biến tại Mỹ một phần bởi việc mất lòng tin của công chúng vào hoạt động ngân hàng truyền thống sau sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, dẫn tới việc chính phủ Mỹ phải giải cứu hàng loàn các ngân hàng "quá lớn để thất bại".