|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thời cơ để tái cơ cấu mạnh mẽ ngành chăn nuôi

07:14 | 19/07/2019
Chia sẻ
Hơn năm tháng qua, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện và lan rộng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng ngành nông nghiệp.
78e0fa2ccc06d739925f8aa9b999148a

Trang trại nuôi gà của một hộ dân ở xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Ảnh: NGUYỄN LƯỢNG

Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch, vấn đề cơ cấu lại chăn nuôi một cách hợp lý, mạnh mẽ để phát triển bền vững đang được đặt ra. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

Phóng viên: DTLCP gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn liệu có tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm ngay trong dịp cuối năm?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: DTLCP xâm nhập vào Việt Nam đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và nhất là chăn nuôi lợn. Đã có 62 trong số 63 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch. Đàn lợn chết, bị tiêu hủy lên đến hơn 3 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn. Ngoài ra, nó còn gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi, đó là phát sinh chi phí trong chăn nuôi, như chi phí phòng, chống dịch. 

Thị trường đảo lộn theo hướng bất lợi cho người chăn nuôi, giá lợn thịt của Việt Nam quá thấp so với giá thành sản xuất và giá sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Đáng ra hiện nay giá lợn thịt trong nước phải ở mức giá 45 đến 50 nghìn đồng/kg lợn hơi, nhưng thực tế đang ở mức hơn 30 nghìn đồng ở phía nam và gần 40 nghìn đồng ở phía bắc. Có thời điểm, giá lợn hơi xuống 20 đến 25 nghìn đồng/kg. Nhà nước cũng đã chi số ngân sách đáng kể để hỗ trợ người chăn nuôi.

Tuy nhiên, do ý thức được vấn đề nguy hiểm của DTLCP, cho nên công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, vì vậy chúng ta đã giảm đáng kể thiệt hại. Đồng thời sớm tìm ra những giải pháp giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng xã hội. 

Ngay trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hai hội nghị lớn: Phát triển chăn nuôi và xuất khẩu gia cầm; phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ và chỉ đạo ngành thủy sản phát triển nuôi trồng để cấp bù phần thiếu hụt thịt lợn do DTLCP gây ra. 

Nhờ vậy, chúng ta vẫn giữ được mức tăng trưởng dương đối với ngành chăn nuôi, tăng 1%; trong đó thịt gia cầm tăng 7,5%, trứng gia cầm tăng 11,4%, thịt gia súc ăn cỏ tăng 5%, sữa tăng 8,2%, riêng thịt lợn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. 

Về cơ bản, vẫn đủ thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và vẫn duy trì được xuất khẩu. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sáu tháng đầu năm tăng 160% so cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là sản phẩm thịt gà đã qua chế biến sang thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng của người dân hằng ngày tới gần 70% thịt lợn nên tôi cho rằng có khả năng sẽ thiếu thịt lợn vào dịp cuối năm. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 giá thịt lợn sẽ tăng.

Phóng viên: Để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong dịp cuối năm, cần thực hiện những giải pháp gì? Đồng chí có khuyến cáo gì với người chăn nuôi?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: Ngay trong khi DTLCP đang diễn ra, ngành nông nghiệp đã có giải pháp chính: Thứ nhất, tăng sản xuất các nguồn cung khác. Đó là thịt gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản để bù vào phần thiếu thịt lợn. 

Thứ hai, chính ngành chăn nuôi lợn cũng phải tự cân đối lại, đó là mở rộng quy mô hay tái đàn. Trước mắt chúng ta không tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị nhiễm dịch, nhưng ở những cơ sở chăn nuôi chưa nhiễm dịch mà bảo đảm an toàn sinh học thì vẫn chăn nuôi lợn bình thường. 

Mặc dù dịch đã lan ra 62 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu vẫn là những cơ sở nhỏ lẻ. Chúng ta phải triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan. Cần đẩy nhanh giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh. Đây là giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Các địa phương khi đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi khác phải chú ý ba nguyên tắc: Thứ nhất, phải kiểm soát được dịch bệnh. Cùng với phòng, chống DTLCP, phải triển khai ngay công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi ở các tháng thu đông 2019 và đông xuân 2019-2020. 

Thứ hai, xét trên cân đối cung cầu thực phẩm, tránh nuôi ồ ạt để không dẫn đến phải giải cứu gà, trứng gia cầm. 

Thứ ba là bảo đảm kế sinh nhai, việc làm. Cần ưu tiên những hộ nông dân bỏ nuôi lợn chuyển sang nuôi những vật nuôi khác, giúp họ có thu nhập như: chính sách khuyến nông chuyển giao kỹ thuật, con giống, giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay để đầu tư sản xuất…

Phóng viên: Theo đồng chí, về lâu dài cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi như thế nào để hạn chế dịch bệnh và bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu?

Đồng chí Nguyễn Xuân Dương: Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây cũng là thời cơ để tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách mạnh mẽ, phù hợp hơn. Chúng ta cần tổ chức lại ngành chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Theo đó, Luật đã tiếp cận định hướng việc quản lý và phát triển ngành chăn nuôi là một ngành kinh tế kỹ thuật, là một ngành sản xuất có điều kiện.

Dự kiến tháng 10 tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổng kết kết quả triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2019 và định hướng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, trong đó chúng ta sẽ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, không nặng về con lợn nhiều quá, mà tăng dần thị phần chăn nuôi cho gia cầm, gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu, hươu, các con đặc sản khác). 

Các vùng chăn nuôi cũng cần thay đổi, không gây áp lực quá tải đối với vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ vừa có mật độ dân số cao vừa có mật độ chăn nuôi cao so với khu vực các tỉnh trung du miền núi phía bắc, duyên hải miền trung và Tây Nguyên. Những vùng này không gian còn rất rộng, chúng ta phải tăng dần các trung tâm chăn nuôi. 

Phải tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, trong đó trung tâm động lực là doanh nghiệp, hợp tác xã, đến hộ trang trại và các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp để kiểm soát được toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, chế biến và thị trường; áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi; chia sẻ lợi nhuận của các tác nhân tham gia chuỗi (tránh tình trạng ép giá, tranh mua, tranh bán) và kiểm soát được mối nguy về an toàn thực phẩm (có thể truy xuất để tìm ra khâu nào gây mất an toàn thực phẩm). 

Người chăn nuôi làm theo đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát hiện các tín hiệu thị trường về nguồn cung, yêu cầu tiêu chuẩn, mẫu mã hàng hóa chất lượng thực phẩm, thu mua giết mổ đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Riêng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang hứa hẹn tiềm năng do nhiều tập đoàn lớn tạo ra. Điển hình nhất là các tập đoàn ở phía nam đang hình thành các liên hiệp chăn nuôi xuất khẩu gia cầm tầm cỡ khu vực và thế giới như Tập đoàn CP, De Heus, Hùng Nhơn, Ba Huân, Trại Việt… Hy vọng chúng ta có thể sẽ xuất khẩu mạnh các sản phẩm chăn nuôi gia cầm, sữa từ cuối năm 2020 trở đi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Hải Phương