|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thoái vốn VNM: Cuộc đua của những “tay to”

10:03 | 02/12/2016
Chia sẻ
Nổ phát súng đầu tiên trong chuỗi thoái vốn các doanh nghiệp lớn, câu hỏi rằng: SCIC có lên kịch bản cho phương án không bán hết cổ phần của Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) trong ngày 12/12 tới đây, có lẽ… hơi thừa.

Lợi thế lớn nhất mà các nhà đầu tư có được trong phiên chào bán thỏa thuận tới đây là lần đầu tiên có thể mua được lô lớn cổ phần, mặc dù đó không phải là toàn bộ số cổ phần VNM mà SCIC đem bán đợt này (9% vốn điều lệ, tương đương 130.630.500 cổ phần).

Theo quy chế chào bán mà SCIC đã công bố, lượng cổ phần tối đa mà một nhà đầu tư có thể mua là 2,7% vốn điều lệ của VNM.

“Tại sao lại khống chế số lượng cổ phần?”, câu hỏi này được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC trao đổi với báo giới chiều 30/11: “Ấn định mức đăng ký mua tối đa với một nhà đầu tư nhằm đảm bảo theo chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là bán rộng rãi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, để nhiều người có thể tiếp cận và sở hữu cổ phiếu của Vinamilk”.

Cách bán của SCIC tạo ra cuộc chơi cho nhiều nhà đầu tư. Bởi khống chế tỷ lệ cổ phần tối đa mà một nhà đầu tư có thể mua, song cổ phần này không chịu điều kiện ràng buộc về thời gian phong tỏa, nên không loại trừ trường hợp, có các nhà đầu tư gom mua cổ phiếu VNM sau đó chuyển nhượng cho một nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư tay to “bố trí” các đại diện đứng tên mua cổ phiếu cho mình. Dù theo cách nào, bất cứ nhà đầu tư nào đáp ứng các điều kiện của cuộc chơi (chủ yếu là rủng rỉnh tiền) đều có thể tham gia đấu giá.

Những nhà đầu tư nào sẽ tham gia cuộc đua? Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, Tổng công ty cũng tổ chức các buổi giới thiệu tại Singapore, Hồng Kông và London (Anh) để giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Vinamilk. Có khoảng 100 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia các buổi giới thiệu này. Sau các buổi giới thiệu đã có 20 nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm, gửi thư trao đổi.

Ngoài ra, tại một hội nghị đầu tư tại Singapore mới đây, 10 nhà đầu tư đã liên hệ trực tiếp với ban lãnh đạo của Vinamilk để tìm hiểu cơ hội đầu tư cụ thể. Như vậy, có thể dự đoán rằng, các nhà đầu tư nước ngoài là ứng viên nặng ký cho đợt đấu giá tới.

Đặt giả định rằng, nhà đầu tư đặt mua lượng cổ phần được phép mua tối đa là 2,7%, với giá khởi điểm là 144.000 đồng/cổ phần, họ phải có trong tay xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, đặt cọc gần 600 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ, nhưng cơ hội để mua cả lô xấp xỉ 40 triệu cổ phần VNM, từ trước tới nay mới có một lần.

Các đại gia Việt Nam thì sao? Theo nhận xét của giám đốc Khối tư vấn một CTCK lớn, đầu tư tài chính, nhất là đầu tư vào VNM với số vốn cực lớn không phải là khẩu vị ưa thích của các đại gia Việt Nam. Họ từ trước đến nay, thường ưa thích các doanh nghiệp gắn với quỹ đất lớn. Còn các nhà đầu tư cá nhân, nếu ưa thích VNM, họ hoàn toàn có thể mua được cổ phiếu này trong các phiên giao dịch trên HOSE, hiện thị giá VNM còn dưới giá khởi điểm SCIC đưa ra.

Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng cần lưu ý một điểm là vào ngày 12/12 (ngày đấu giá), giá sàn VNM đạt được trên HOSE cao hơn 144.000 đồng, thì giá khởi điểm của phiên đấu giá cạnh tranh sẽ là mức giá sàn của phiên đó. Mua giá thấp, để bán lại giá cao hơn qua đấu giá cạnh tranh, không dễ ăn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhất là khi để tham gia cuộc đua, họ phải có trong tay tối thiểu 3 tỷ đồng.

Thị giá VNM những ngày này dao động trong khoảng 136.000 - 140.000 đồng/cổ phần, không cách quá xa giá khởi điểm mà SCIC đã công bố. Kể từ thời điểm SCIC tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư vào VNM tại HOSE hơn 1 tuần trước, thị trường cũng chứng kiến nhiều phiên bán ròng VNM, trong đó khối ngoại đóng vai trò chủ đạo. Khi giá rớt xuống 130.000 đồng/cổ phần, đã có rất nhiều lệnh của nhà đầu tư nội mua vào.

Với PE vào khoảng 21x, cao hơn mức trung bình của thị trường là 15-16x, song có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt, cổ phiếu VNM vẫn được nhà đầu tư tin tưởng là an toàn để bỏ vốn. Rõ ràng là mua ở mức giá này, so với mức giá tại phiên đấu giá ngày 12/12, nhà đầu tư nhỏ lẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Còn với những phân tích ở trên, có thể nhận định rằng, phiên bán thỏa thuận 9% vốn điều lệ của VNM diễn ra tới đây, nhiều khả năng chỉ là cuộc đua của các “tay to”.

Anh Việt

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.