|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Thoái vốn nhà nước ở VEAM có thể dẫn đến rủi ro ngừng liên doanh với Honda, Toyota, Ford'

20:00 | 30/06/2021
Chia sẻ
Quý I, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết của VEAM lên tới 1.282 tỷ đồng, đóng góp chính vào tổng lợi nhuận của tổng công ty, trong khi lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt gần 139 tỷ đồng.

CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo cập nhật nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA). Trong đó, VCSC cho biết cuộc họp tập trung vào kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu của công ty sang sàn HOSE cũng như kế hoạch cổ tức.

Năm 2020, VEAM đã trình Chính phủ đề xuất thoái vốn mới. Theo đề xuất này, Chính phủ sẽ bán bớt cổ phần tại VEAM từ 88,5% hiện nay còn hơn 51% thay vì mục tiêu 36% như kế hoạch trước đây.

VCSC nhận định việc thay đổi cổ đông kiểm soát của VEAM có thể dẫn đến rủi ro về việc ngừng liên doanh với Honda, Toyota và Ford.

Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam.

Qua số liệu các năm trước, có thể thấy lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp chủ lực vào tổng lợi nhuận của VEAM. Theo báo cáo tài chính quý I, tại ngày 31/3, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết của VEAM lên tới 1.282 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt gần 139 tỷ đồng. 

VCSC: VEAM có thể gặp rủi ro ngừng liên doanh với Honda, Toyota, Ford nếu thoái vốn nhà nước - Ảnh 1.

Chi tiết khoản đầu tư vào Honda, Toyota và Ford của VEAM trong quý I. (Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2021).

Báo cáo của VCSC cũng cho biết Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam đã hoàn thành việc mở rộng công suất và không có vốn đầu tư lớn trong thời gian tới.

Theo ban lãnh đạo, Ford Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn đầu của kế hoạch mở rộng quy mô từ 14.000 chiếc/năm lên 40.000 chiếc/năm mà không cần thêm vốn góp từ VEAM. Tương tự, Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam không có kế hoạch mở rộng trong tương lai gần.

Về việc chuyển niêm yết lên sàn giao dịch chính, tại công ty mẹ, VEAM dự kiến trích lập 615 tỷ đồng dự phòng liên quan đến các khoản cho vay của công ty mẹ cho các công ty con và công ty liên kết.

Theo VEAM, khoản dự phòng này sẽ giải quyết các ý kiến ngoại trừ còn lại của kiểm toán đang làm ảnh hưởng việc VEAM chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UPCoM lên các sàn giao dịch chính (HOSE hoặc HNX) trong giai đoạn 2022 - 2023..

Đồng thời, công ty đã giải quyết các vấn đề tồn kho xe tải cũ trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 được công bố vào tháng 4/2021 sau khi thuê tư vấn định giá độc lập vào đầu năm 2021.

Ban lãnh đạo cho biết một số công ty con máy móc nông nghiệp của VEAM bắt đầu tạo ra lợi nhuận nhỏ vào năm 2020 nhờ kiểm soát chi phí tốt hơn và tái cơ cấu hoạt động. Công ty kỳ vọng mảng kinh doanh máy móc nông nghiệp tổng thể sẽ giảm lỗ hoạt động trong tương lai nhờ nỗ lực tái cơ cấu.

Tường Vy