|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

VCSC: Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) có thể thu nghìn tỷ từ thoái vốn năm nay

16:00 | 30/06/2021
Chia sẻ
Năm 2021 được coi là năm bản lề khi Tập đoàn Cao su Việt Nam đổi trục kinh doanh sang mảng bất động sản khu công nghiệp với kỳ vọng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong năm nay, VCSC dự báo tập đoàn cũng có thể thu về 1.000 tỷ đồng từ thoái vốn.
VCSC: Chiến lược chuyển sang mảng khu công nghiệp của VRG sẽ có nhiều thuận lợi - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Cao su Việt Nam tại TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo cập nhật nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR).

Mục tiêu doanh số bán đất KCN gần 2.700 ha giai đoạn 2021 - 2025

Về kế hoạch kinh doanh 5 năm 2021 - 2025 của GVR, VCSC nhận định rằng kế hoạch này tái khẳng định những thay đổi chiến lược của GVR sang lĩnh vực khu công nghiệp (KCN) mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

GVR đặt kế hoạch cho tổng doanh số bán đất KCN là 2.686 ha trong giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng 128% dự báo của VCSC và tương đương với 176% tổng doanh số bán đất KCN giai đoạn 2016 - 2020. 

Công ty đưa ra kế hoạch tổng thu nhập cho giai đoạn 2021 - 2025 là 166.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) là 33.800 tỷ đồng, tương đương 103% và 87% dự báo của VCSC. VCSC cho rằng mặc dù kế hoạch LNTT 5 năm thấp hơn dự kiến nhưng sẽ không có thay đổi đáng kể đối với dự báo này vì GVR đưa ra kế hoạch dài hạn một cách thận trọng.

Trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, diện tích cho thuê đất KCN dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 5 năm là 17%, trong khi mảng kinh doanh chủ yếu hiện tại của GVR (kinh doanh mủ cao su) chỉ đạt CAGR 5 năm là 3,6%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của các quy định mới về sử dụng đất và quản lý KCN, Ban lãnh đạo GVR cho biết đã có một số quy định mới tích cực nhằm cải thiện việc phát triển KCN và chuyển đổi đất thành KCN tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng chia sẻ rằng những thách thức vẫn còn để đẩy nhanh sự phát triển KCN của GVR, chẳng hạn như quan điểm khác nhau của chính quyền cấp tỉnh về các quy định mới.

Ban lãnh đạo cũng chia sẻ cơ cấu đóng góp LNTT theo từng mảng kinh doanh cho kế hoạch năm 2021, bao gồm 2.000 tỷ đồng từ kinh doanh mủ cao su, khoảng 1.800 tỷ đồng từ thanh lý cây cao su quá tuổi khai thác.

Khoảng 700-800 tỷ đồng từ sản phẩm cao su công nghiệp và mảng chế biến gỗ, 500 tỷ đồng từ các giao dịch liên quan đến đất, 350 tỷ đồng từ lãi thoái vốn tài chính, và phần còn lại từ các nguồn khác.

Có thể thu nghìn tỷ từ thoái vốn năm nay

VCSC cho rằng kế hoạch của ban lãnh đạo đối với lợi nhuận tài chính từ việc thoái vốn trong năm 2021 là cực kỳ thận trọng mặc dù GVR có tiềm năng tăng lợi nhuận cao từ lộ trình thoái vốn.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), cổ đông GVR đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng thu nhập là 26.900 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 4.600 tỷ đồng, giảm 10%. Các chỉ tiêu trên tương ứng với 98% và 85% dự báo cả năm của VCSC.

VCSC cho rằng chênh lệch giữa dự báo LNST năm 2021 của VCSC và kế hoạch của GVR là do dự báo cao hơn về thu nhập tài chính từ việc thoái vốn khi kế hoạch của ban lãnh đạo chỉ là 350 tỷ đồng so với dự báo hiện tại của VCSC là 1.000 tỷ đồng vào năm 2021

Trong đó, GVR sẽ thoái vốn 2% cổ phần còn lại tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP); thoái vốn 20% cổ phần tại CTCP KCN Nam Tân Uyên (Mã: NTC); thoái vốn khoảng 36% cổ phần tại CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: VRG); thoái vốn toàn bộ khỏi 5 dự án thủy điện; và một số khoản thoái vốn không đáng kể khác. 

Ban lãnh đạo cũng có kế hoạch thoái vốn tại các công ty con đang niêm yết, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) và CTCP Cao su Đồng Phú (Mã: DPR), xuống 51% từ mức tương ứng hiện tại là 66,6% và gần 60%. 

Tường Vy