|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thổ Nhĩ Kỳ rà soát cuối kỳ biện pháp CBPG săm, lốp xe đạp và xe máy từ Việt Nam và một số nước

10:50 | 20/07/2021
Chia sẻ
Hàng hóa bị điều tra gồm săm, lốp xe đạp được phân loại theo mã 4011.50.00.00.00; 4013.20.00.00.00 và 8714.99.90.00.00; săm, lốp xe máy được phân loại theo mã 4011.44; 4013.90.00.00.11 và 8714.10.30.00.00.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngày 10/7, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (Cơ quan điều tra) đã đăng Công báo về việc khởi xướng rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với hai vụ việc là săm, lốp xe đạp và săm, lốp xe máy có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước, vùng lãnh thổ. 

Hàng hóa bị điều tra gồm săm, lốp xe đạp được phân loại theo mã 4011.50.00.00.00; 4013.20.00.00.00 và 8714.99.90.00.00; săm, lốp xe máy được phân loại theo mã 4011.44; 4013.90.00.00.11 và 8714.10.30.00.00. Nước, vùng lãnh thổ bị điều tra là Việt Nam, Đài Loan, Sri Lanka.

Thời kỳ điều tra (IP) từ 1/1/2020 đến 31/12/2020. Thời hạn gửi Bản trả lời câu hỏi điều tra là 37 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng rà soát (tức là ngày 10/7/2021).

Theo hướng dẫn trong Bản câu hỏi điều tra, tất cả các tài liệu và thông tin trả lời liên quan phải được dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ; hoặc trong trường hợp không thể dịch ra tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thì phải kèm theo bản dịch tiếng Anh. Việc sử dụng các ngôn ngữ khác mà không kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được xem xét.

Mọi thông tin phải được nộp đồng thời dưới dạng bản mềm (đĩa CD hoặc DVD hoặc USB) và bản cứng (ngoại trừ bản sao các hóa đơn chứng từ chỉ cần nộp dưới dạng bản mềm). Các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài có thể nộp Bản trả lời câu hỏi và ý kiến liên quan thông qua địa chỉ: ithebys@ticaret.gov.tr.

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan một số vấn đề như tham gia hợp tác toàn diện với Cơ quan điều tra để chứng minh hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ;

Đọc kỹ các tài liệu; trả lời đầy đủ và nộp Bản trả lời câu hỏi điều tra theo đúng hình thức và thời hạn quy định. Trong trường hợp gặp khó khăn trong xử lý các câu hỏi này, bên liên quan cần liên lạc với Cơ quan điều tra để được hỗ trợ;

Cân nhắc phối hợp với đơn vị tư vấn, luật sư có kinh nghiệm xử lý vụ việc PVTM tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ;

Liên lạc thường xuyên, hợp tác toàn diện với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị cần làm rõ các yêu cầu của Cơ quan điều tra trước khi có bất kỳ hành động nào. Thông tin liên lạc với Cơ quan điều tra có trong các Bản câu hỏi điều tra kèm theo.

Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin Hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tại Việt Nam; với các đối tác nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm yêu cầu Cơ quan điều tra xem xét đầy đủ lợi ích kinh tế - xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời, thường xuyên trao đổi với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

"Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình điều tra, sẽ dẫn tới việc Cơ quan điều tra sử dụng các chứng cứ sẵn có (thường là bất lợi). 

Việc bị tiếp tục áp thuế CBPG sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị phần xuất khẩu tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào tay các đối thủ cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ và/hoặc các đối thủ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác", Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.

Như Huỳnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.