|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thợ đào bitcoin ngập trong nợ nần giữa lúc thị trường tiền mã hoá lao dốc

14:00 | 14/06/2022
Chia sẻ
Giá điện tăng, giá tiền mã hoá giảm trong khi ngày càng có nhiều người tham gia đào tiền mã hoá khiến cho ngành công nghiệp này không còn hấp dẫn như trước.

 Ngành công nghiệp đào tiền mã hoá đang phải chịu nhiều áp lực lớn. (Ảnh: WIRED).

Năm ngoái, khi giá bitcoin chạm mốc 68.000 USD, các thợ đào bitcoin có một khoảng thời gian tươi đẹp. Lợi nhuận của họ, theo một số ước tính, có thể lên tới trên dưới 90% và rất nhiều người quyết định mở rộng vận hành với tốc độ chóng mặt để đón đợi một năm 2022 tiềm năng hơn.

Dù vậy, viễn cảnh tươi đẹp này đã không tới. Trong một vài tháng qua, thị trường tiền mã hoá liên tục lao dốc với giá bitcoin ở thời điểm thực hiện bài viết dao động khoảng 22.069 USD.

Cùng thời điểm, giá điện tăng trên toàn thế giới vì nhu cầu tăng trở lại và xung đột ở Ukraine. Đây là một vấn đề lớn đối với các thợ đào khi họ thường dùng nhiều máy tính hiệu năng cao, đòi hỏi nhiều điện năng để giải các thuật toán phức tạp trong quá trình đào tiền mã hoá.

Điện năng có thể chiếm từ 90% đến 95% chi phí vận hành của một mỏ đào, theo Valery Vavilov, CEO Bitfury.

Ở một số khu vực tại Châu Âu, giá điện cao đến mức đào một bitcoin có thể tốn tới 25.000 USD, theo Daniel Jogg, CEO Enerhash, một công ty vận hành máy chủ dữ liệu blockchain. “Một số mỏ đào đang hoạt động không có lợi nhuận”, anh nói. Texas, một điểm nóng đào bitcoin khác, cũng chứng kiến giá điện tăng 70% trong 12 tháng qua. Mỹ hiện đang chiếm 37.84% hoạt động đài tiền mã hoá toàn cầu.

“Vấn đề không chỉ là giá điện cao mà còn là câu chuyện mức độ biến động giá lớn”, Alex Brammer, phó chủ tịch phát triển kinh doanh tại Luxor Mining, nói. “Rất khó để dựng được mô hình dự đoán giá điện”.

Vấn đề còn “trầm trọng” hơn khi ngày càng có nhiều thợ đào tham gia từ mùa hè năm ngoái, điều này giảm hiệu quả đầu ra của các thợ đào cá nhân. Hiểu một cách đơn giản, các thợ đào ngày càng mất nhiều chi phí hơn để đào ra lượng bitcoin ít hơn.

Mặc dù các mỏ đào vẫn đang có lượng nhuận, biên lợi nhuận đang giảm dần, theo Sam Doctor, Giám đốc chiến lược tại BitOoda, nói. Ông ước tính biên lợi nhuận lúc này dao động từ 60% đến 73%.

“Ngay cả các mỏ đào dùng các máy tính mới hơn, với khả năng sinh lời cao hơn, cũng đang có ít lợi nhuận hơn trước đây”, ông nói thêm. Các máy tính cũ từ thế hệ S9, hiện đang chiếm khoảng một phần ba số lượng máy đào trên thế giới, không còn khả năng sinh lời trong hầu hết mọi trường hợp.

Ông Doctor chia sẻ thêm rằng phần lớn các công ty, kể cả công ty lớn, đều đang không có các hợp đồng giá điện cố định vì điều này yêu cầu “điểm tín nhiệm” cao hơn những gì họ có.

Mặc dù có biên lợi nhuận hấp dẫn, các mỏ đào tiền mã hoá đều đang trong giai đoạn khó khăn. Phần lớn các công ty đào tiền mã hoá đại chúng đều đang chứng kiến giá trị vốn hoá giảm tới 50%.

Có nhiều lo ngại rằng những xu hướng tiêu cực này sẽ không đảo ngược và thực tế mới chỉ là điểm khởi đầu của một cơn ác mộng diện rộng. Hai năm trước đợt sụp đổ này, các mỏ đào đổ xô mua máy tính để đào bitcoin.

Với nhiều công ty, giá những chiếc máy tính đang không hoạt động hoặc thậm chí chưa được giao có thể đã giảm xuống dưới mức họ trả trước để mua máy vì thông thường giá máy đào sẽ biến động cùng giá bitcoin.

“Nhiều mỏ đào đang gặp khó khăn trong việc trả tiền máy móc vì họ đầu tư mạnh vào hạ tầng với hy vọng có thể gọi vốn sau đó”, Charlie Schumacher, người phát ngôn Marathon, một trong những mỏ đào lớn nhất nước Mỹ, nói.

Các nhà quan sát nói rằng máy tính của các mỏ đào chủ yếu có nguồn tiền từ vốn vay. Ông Doctor thậm chí nói rằng có nhiều mỏ đào đang có chi phí chưa được tài trợ. Họ đặt nhiều máy, đặt cọt tiền nhưng chưa gọi được đủ vốn. Áp lực tài chính sẽ còn đè nặng hơn với đợt giảm giá của bitcoin và giá điện tăng. “Bất kỳ ai mua máy ở đỉnh của chu kỳ khi giá bitcoin đạt 65.000 USD và dùng vốn vay, họ không thể có dòng tiền dương lúc này”, Jurica Bulovic, giám đốc tại Foundry, nói.

Có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty đào tiền mã hoá đang cần tiền mặt và bán ra các đồng tiền mã hoá nắm giữ. Điều này càng đặt thêm nhiều áp lực lên giá máy móc.

Mối lo ngại còn có thể lan sang cả các đơn vị cho vay với nhiều khoản vay mua máy bằng bitcoin hoặc bằng chính các thiết bị máy móc. Đồng nghĩa với việc tài sản đảm bảo cho khoản vay đang suy giảm giá trị. Các chuyên gia nhận định hoạt động thâu tóm sáp nhập sẽ diễn ra mạnh trong mảng đào tiền mã hoá trong thời gian tới.

Nam Khánh