|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thiếu hụt nguồn cung, Bộ NN&PTNT tính đến phương án nhập khẩu thịt heo từ Pháp

14:32 | 24/06/2020
Chia sẻ
Nếu phía Pháp có thịt chất lượng tốt, giá cả phù hợp, Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên có thể kết nối với nhau để Việt Nam có thể nhập khẩu thịt heo từ Pháp.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết mới đây tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tiếp đón và làm việc với ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. 

Nội dung của buổi gặp mặt nhằm trao đổi các vấn đề về khả năng hợp tác với Pháp trong việc phát triển chăn nuôi heo tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, hiện tại, phía Bộ NN&PTNT Việt Nam đang chỉ đạo nhập khẩu thịt heo từ các nước trước tình hình thiếu hụt nguồn cung trong nước.

"Nếu phía Pháp có thịt chất lượng tốt, giá cả phù hợp, Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên có thể kết nối với nhau để Việt Nam có thể nhập khẩu thịt heo từ Pháp", Thứ trưởng Tiến cho hay.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thịt heo đông lạnh đạt 55 triệu USD, tăng hơn 412%; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, bò đạt 34,8 triệu USD, tăng gần 46%.

5 thị trường nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam là Australia, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan và Canada với giá trị lần lượt là 207,8 triệu USD, tăng 69,3% so với cùng kì năm ngoái; 104 triệu USD, tăng 80%; 92,9 triệu USD, tăng 130,3%; 65,1 triệu USD, tăng 56,3% và 30 triệu USD, cao gấp 12,5 lần.

Thiếu hụt nguồn cung, Bộ NN&PTNT tính đến phương án nhập khẩu thịt heo từ Pháp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp đón và làm việc với ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Ảnh: Bộ NN&PTNT.

Ông Alexandre Bouchot cho biết, trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang là mối quan tâm hàng đầu trên thế giới, sự tổn thất lớn trong phát triển chăn nuôi heo ở Trung Quốc do dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc cân bằng nguồn cung trên thế giới.

Là hai nước có ngành chăn nuôi heo phát triển mạnh, ông mong muốn có sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Ông Alexandre Bouchot cho biết Pháp và Việt Nam đã mối quan hệ chặt chẽ về ngoại giao trong nhiều năm, và đang trong bối cảnh thương mại thuận lợi hơn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU vừa được kí kết và các hiệp định về dịch tễ thú y. 

Đối với ngành chăn nuôi heo, hiện nay chính phủ Pháp thông qua các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và về mặt lâu dài trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như cung cấp thịt heo

Ông cũng mong muốn ngày càng có thêm nhiều những mặt hàng, sản phẩm của Pháp có mặt tại Việt Nam và ngược lại. 

Với bối cảnh hiện nay là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực kể từ tháng 8/2020 thì với những cam kết rất rõ ràng về thuế quan y sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại giữa hai nước. 

Pháp có ngành chăn nuôi heo phát triển với những nghiên cứu về an toàn sinh học, những nghiên cứu đưa ra giống heo năng suất cao, vì vậy Pháp mong muốn có thể xây dựng một mô hình sản xuất giống tại Việt Nam giúp người dân từ đầu vào như giống, thức ăn, chuồng trại để có thể cho ra những sản phẩm chất lượng, từ đó tìm đầu ra hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Việt Nam hiện cũng đã tiếp nhận rất nhiều doanh nghiệp của Pháp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều giống của Pháp cũng được du nhập vào Việt Nam. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn trong tương lai, hai nước có sự hợp tác hơn nữa trong triển khai nghiên cứu các chương trình giống gia súc, thức ăn, chế biến theo hướng công nghệ cao, bên cạnh sự hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, trồng trọt....


Như Huỳnh