Thiếu điện sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021
Các nhà máy ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trong thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với một mối lo nghiêm trọng là tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp điện.
Một cuộc khảo sát của chính phủ nước này về hoạt động sản xuất được công bố mới đây cho thấy chỉ số đã giảm xuống chỉ còn 49,6 trong tháng 9/2021, giảm từ 50,1 hồi tháng 8. Bất kỳ trường hợp nào, khi chỉ số xuống dưới 50 thì đều cho thấy sự suy thoái, thu hẹp của nền kinh tế.
Đây là lần đầu tiên kết quả cuộc khảo sát chính thức tại Trung Quốc cho thấy con số này, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các nhà máy đang phải cắt giảm sản lượng vì chi phí năng lượng tăng cao. Tệ hơn, hoạt động ở những công ty, doanh nghiệp năng lượng thì lại không thể phục hồi và khởi sắc hơn.
Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu Capital Economics đã viết trong một báo cáo phân tích rằng:
“Bức tranh lớn là ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển bùng nổ ngay trước đợt thiếu điện gần đây nhất. Sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất nói chung đã thúc đẩy đáng kể sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng”.
Tuy nhiên, theo ông thì chiến lược và xu thế như vậy đòi hỏi nguồn cung hàng tấn năng lượng, khối lượng than khổng lồ. Tình trạng thiếu điện bắt đầu xảy ra vào tháng 6 năm nay và ngày càng trở nên tồi tệ hơn kể từ đó.
Nguyên nhân là do giá than tăng cao và các tỉnh của Trung Quốc đều phải cố gắng đáp ứng các mục tiêu môi trường mà Bắc Kinh yêu cầu, đó là giảm lượng khí thải carbon.
Cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng thiếu điện ngày càng trầm trọng đã gây ra tình trạng mất điện tại nhiều khu vực, người dân không có đủ điện dùng còn các nhà máy phải cắt giảm sản xuất.
Đây thực sự trở thành một mối đe dọa đối với nền kinh tế của đất nước tỷ dân này và có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các công ty ở những khu trung tâm của nền công nghiệp Trung Quốc cũng đã bị yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm thiểu nhu cầu điện năng, truyền thông quốc gia đưa tin.
Vấn đề này đã khiến Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc tuyên bố trong tuần này rằng họ sẽ "dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện", nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Evans-Pritchard cũng lưu ý rằng các cuộc khảo sát mới nhất đã diễn ra trước khi tình trạng thiếu điện trầm trọng như hiện tại, có nghĩa là ở thời điểm hiện nay thì khan hiếm điện còn trầm trọng hơn nhiều, ảnh hưởng hơn tới sản xuất cũng như sinh hoạt.
"Kể từ đó, tình trạng thiếu điện ngày càng gia tăng", ông nói thêm, đồng thời chỉ ra rằng các báo cáo trên phương tiện truyền thông cho thấy các nhà máy điện ở hơn 20 tỉnh đã phải mở rộng quy mô sản xuất.
Thực tế, dữ liệu mới công bố không hoàn toàn là xấu. Một cuộc khảo sát riêng về hoạt động sản xuất, Chỉ số PMI của Caixin đã tăng từ 49,2 lên 50, cho thấy mức độ hoạt động ổn định trong tháng 9 so với mức giảm trong tháng 8.
Bên cạnh đó, một chỉ số chính thức về hoạt động kinh doanh phi sản xuất đã tăng lên 53,2 từ mức 47,5 của tháng 8, một dấu hiệu cho thấy khu vực dịch vụ đang phục hồi. Nhu cầu của người tiêu dùng đang là mối quan tâm ở Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên, rõ ràng là bức tranh tổng thể của nền kinh tế đang khó khăn. Các nhà phân tích tại Nomura và Goldman Sachs cho rằng vấn đề thiếu điện có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2021.
Goldman cho rằng có "sự không chắc chắn đáng kể" trong quý cuối cùng của năm, do nền kinh tế Trung Quốc đã đối mặt với rủi ro vì cuộc khủng hoảng nợ tại tập đoàn Evergrande”.
Evans-Pritchard viết trong báo cáo nghiên cứu: “Vẫn còn một số cơ hội cho sự phục hồi hơn nữa trong hoạt động dịch vụ sau những gián đoạn vì đại dịch nhưng ngành công nghiệp sản xuất thì có vẻ còn suy yếu hơn nữa”.