Kết luận thanh tra EVN: 88 sự cố tổ máy nhiệt điện than trong 5 tháng, thủy điện vận hành không theo kế hoạch
Nhiệt điện than miền Bắc xảy ra 88 sự cố tổ máy trong 5 tháng
Bộ Công Thương vừa ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy một số bất cập liên quan đến hai nguồn điện chính của nước ta hiện nay là nhiệt điện than và thủy điện.
Theo đó, 5 tháng đầu năm, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc đã xảy ra 88 sự cố tổ máy, ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống điện miền Bắc.
Trong đó, tổng số sự cố tổ máy các nhà máy điện thuộc quản lý của EVN và các GENCO chiếm tỷ lệ 51,1% (45/88), riêng số sự cố tổ máy ở khu vực miền Bắc của EVN và các GENCO gặp sự cố là 26/50, chiếm tỷ lệ 52% tổng số tổ máy khu vực miền Bắc.
“Việc xử lý sự cố, khôi phục vận hành lại các tổ máy chậm gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc trong giai đoạn cao điểm như thời gian vừa qua”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Đối với sự cố tổ máy S6 (300MW) Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, sự cố kéo dài từ ngày 16/3/2021 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 đã tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân sự cố và kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để xảy ra sự cố. Tuy nhiên, quá trình khắc phục sự cố chậm và kéo dài, đến thời điểm thanh tra, tổ máy S6 vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa, gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Bắc giai đoạn vừa qua.
Đối với sự cố tổ máy S1 (600MW) Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 kéo dài từ ngày 19/9/2021 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành, gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Bắc giai đoạn vừa qua và chưa làm rõ được chính xác nguyên nhân dẫn đến sự cố; chưa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Còn với sự cố tổ máy S2 (300MW) Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả kéo dài từ ngày 21/6/2022 đến thời điểm thanh tra vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa để đưa vào vận hành.
Thời gian sửa chữa tổ máy S2 kéo dài nên là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Bắc trong giai đoạn vừa qua.
Bộ Công Thương yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị vận hành nhà máy nhiệt điện tăng cường phân tích quá trình xảy ra sự cố, đánh giá nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm tránh sự cố lặp lại và các sự cố tương tự.
Không tuân thủ kế hoạch điều tiết lượng nước các hồ thủy điện
Liên quan đến mảng thủy điện, báo cáo của EVN và Trung tâm A0 cho thấy trong giai đoạn 2021-2023, một số thời điểm, mực nước của các hồ chứa thủy điện lớn đã dưới ngưỡng mực nước tối thiểu gây ảnh hưởng đến phục vụ phát điện trong những giai đoạn tiếp theo.
Từ tháng 7/2022, việc tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc, gồm 8 hồ chứa thủy điện là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà; Trung Sơn; Bản Vẽ… làm giảm mực nước các hồ so với kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn về lưu lượng nước về chỉ đạt 60- 80% so với trung bình nhiều năm.
“Việc huy động vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên làm giảm mực nước các hồ chứa so với kế hoạch năm và thấp hơn đáng kể so với mực nước dâng bình thường, ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 và dẫn đến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện”, Bộ Công Thương cho biết.
Đến tháng 3/2023, lưu lượng nước về các hồ có dấu hiệu giảm, sản lượng điện theo nước về toàn hệ thống thấp hơn 563 triệu kWh so với kế hoạch năm. Tổng sản lượng thủy điện tích được trong các hồ thấp hơn kế hoạch năm là 462 triệu kWh.
Tháng 4/2023, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục giảm mạnh, sản lượng theo nước về trong tháng 4 thấp hơn khoảng 765 triệu kWh so với kế hoạch năm. Lượng nước tích trong các hồ thủy điện thiếu hụt so với kế hoạch năm là 1632 triệu kWh.
Trong các tháng 3, 4, 5 năm 2023, các nhà máy thủy điện vẫn được huy động cao, dẫn đến giảm mực nước các hồ thủy điện. Hầu hết hồ miền Bắc và một số hồ miền Trung, miền Nam không đảm bảo mực nước ảnh hưởng đến cung cấp điện năm 2023.
Cuối tháng 5/2023, các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà về gần mực nước chết, ảnh hưởng đến việc sẵn sàng phát điện, cung cấp điện cho hệ thống điện. Duy chỉ có hồ thủy điện Hòa Bình giữ được mực nước cao sẵn sàng phát điện đáp ứng điều chỉnh tần số của hệ thống điện và cung cấp điện miền Bắc.
Dựa trên kết quả thanh tra, Bộ Công Thương kết luận: “Việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022, làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt”.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên EVN đã làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN và Trung tâm A0 tuân thủ quy định về mực nước tối thiểu/khoảng mực nước quy định tại Phụ lục III của các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án tối ưu điều tiết nước các hồ thủy điện bậc thang cho phát điện, phù hợp với diễn biến thủy văn thực tế những năm gần đây và quy định, quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo nhiệm vụ cắt giảm lũ, cấp nước cho hạ du.