Thiên Long bán bút bi, giấy vở sang Mỹ qua Amazon
Ai cũng phải bắt đầu ở đâu đó – thông điệp được ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, khối Đối tác bán hàng quốc tế nhấn mạnh với các nhà bán hàng Việt. Với 25 kinh nghiệm tại tập đoàn bán lẻ này, ông Eric Broussard tin rằng doanh nghiệp cần phải nghĩ lớn hơn, như cách mà Amazon đã làm, từ một cửa hàng bán sách vươn mình trở thành ông lớn trong ngành thương mại điện tử toàn cầu.
“Với không gian internet rộng lớn, thương mại điện tử cung cấp cơ hội lớn cho doanh nghiệp kết nối với thế giới”, ông Eric Broussard nói.
Theo ông Eric Broussard, trên toàn cầu, sản phẩm từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có Việt Nam, chiếm 60% tổng số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon.
Năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất, hạt điều hữu cơ…
Bà Lại Việt Anh, phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển ở mức hai con số trong suốt thời gian đại dịch. Giá trị thị trường thương mại điện tử vào năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD và dự kiến vượt qua con số 25 tỷ USD trong năm 2023.
“Cùng với các động thái thúc đẩy từ Chính phủ, chúng ta cần phải làm mới động lực tăng trưởng cũ thông qua thương mại điện tử”, bà Việt Anh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Aglobal – đơn vị tư vấn dịch vụ thương mại điện tử, cho rằng Việt Nam có thế mạnh sản xuất đặc thù nhưng các doanh nghiệp trong nước cần phải thoát khỏi tư duy cũ, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Nhà sản xuất Việt Nam không quan tâm tới xây dựng chuỗi giá trị, chủ yếu nhận đơn đặt hàng, gia công cho các tổ chức thương mại khác. Tôi nghĩ chúng ta cần phải thay đổi tư duy này”, ông Trình bày tỏ.
Năm nay, Amazon Global Selling (ASG) đón chào một thương hiệu “quốc dân” của Việt Nam tham gia vào thị trường thương mại điện tử toàn cầu, đó là Thiên Long.
Bà Tạ Hồng Diệp, Giám đốc Kinh doanh của Thiên Long cho biết thương hiệu này chiếm 64% thị phần bút viết ở Việt Nam, xuất khẩu tới 70 quốc gia. Bên cạnh đó, Thiên Long đã tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước và gian hàng của công ty luôn giữ vị trí dẫn đầu ngành hàng văn phòng phẩm sau 7 năm gia nhập.
“Năm 2023, Thiên Long quyết định mở rộng sang Bắc Mỹ. Chúng tôi nhận thấy đây là thị trường khó tính, phải đi đường dài cũng như có cách tiếp cận hợp lý”, bà Diệp nói về quyết định tham gia bán hàng trên Amazon của Thiên Long.
Tại sự kiện lần này, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành AGS Việt Nam cũng công bố kế hoạch được vị lãnh đạo người Hàn ấp ủ từ ngày đến Việt Nam nhậm chức.
Theo ông Gijae, 90% nhà bán hàng của AGS tại Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. “Dù có những đơn vị thành công, thuộc top seller, bắt đầu bán hàng từ khi còn đi học, nhưng chúng tôi nhận thấy nhà bán hàng Việt vẫn còn ngại ngần tham gia thị trường toàn cầu, một phần là yếu tố cảm xúc và cả vấn đề tài chính”, ông Gijae cho biết.
Ngoài ra, khi nói về sự chuyển dịch ngành hàng tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam, vị giám đốc người Hàn nhận xét: “Việt Nam có nhiều nhà sản xuất tốt trong ngành sắc đẹp, họ làm từ cái lông mi giả tới mỹ phẩm tự nhiên… ".
Theo ông Gijae, rào cản thành công hiện nay đối với nhà bán hàng Việt do chưa tìm hiểu đủ về nhu cầu của khách hàng tại các thị trường quốc tế, áp dụng tư duy của thị trường trong nước ra toàn cầu. Đồng thời, nhà bán hàng Việt cũng thiếu kiên trì cho hành trình dài.
“Tôi luôn phải nhắc đi nhắc lại rằng hãy bán cái khách hàng cần chứ không phải cái mà chúng ta có”, ông Gijae nói.