|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thiên đường mua sắm Hong Kong chết dần vì thương mại điện tử

09:57 | 15/11/2016
Chia sẻ
Thương mại điện tử ngày càng phổ biến, trong khi giá thuê cửa hàng cao chót vót khiến các nhà bán lẻ Hong Kong gục ngã. 
thien duong mua sam hong kong chet dan vi thuong mai dien tu

Hong Kong từng được xem là "Thiên đường mua sắm", nhưng nay thiên đường mua sắm đó đã đến lúc được yên nghỉ. Một trong những đòn giáng gần nhất lên thị trường bán lẻ Hong Kong chính là ngày hội bán hàng online "Ngày độc thân" của Trung Quốc vừa qua. Chỉ trong một ngày duy nhất, doanh số bán hàng online đạt 17,8 tỷ USD.

Thương mại điện tử đang định hình lại ngành bán lẻ trên khắp Trung Quốc. Bán hàng trực tuyến hiện chiếm hơn 11% toàn bộ doanh thu bán lẻ và đang tăng trưởng với tốc độ phi mã. Ngày hội mua sắm dịp lễ Độc thân được tổ chức từ năm 2009 và đây là năm đầu tiên mở ra ngoài đại lục.

Thương mại điện tử chỉ là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ Hong Kong. Lý do thứ hai là số lượng du khách đến vùng lãnh thổ này ngày càng giảm. Lý do thứ ba, chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đã ảnh hưởng to lớn đến tốc độ chi tiêu mua sắm của khách hàng, vốn là nguồn thu đã làm giàu cho các cửa hàng xa xỉ tại Hong Kong từ bao năm nay.

Còn nguyên nhân thứ tư, thầm lặng nhưng đáng sợ không kém là các chủ nhà. Dù không ra mặt, họ vẫn dần dần bóp chết ngành kinh tế bán lẻ. Hiện giá thuê mặt bằng tại Hong Kong là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới.

Những chủ sở hữu mặt bằng đã bóp nát thiên đường mua sắm từng một thời là nỗi thèm muốn của cả thế giới. Khó khăn của cả ngành khiến các chủ nhà cũng phải miễn cưỡng giảm giá cho thuê. Giới phân tích bất động sản cho biết giá thuê đã giảm hơn 40%, nhưng chi phí thuê mặt bằng vẫn thường chiếm một nửa hoặc hơn trong tổng hóa đơn mà khách hàng phải trả.

Khi Adidas thay Coach thuê lại 13.000 feet vuông tại khu mua sắm trung tâm, giá thuê giảm 22,5% xuống 4,34 triệu đôla Hong Kong một tháng.

Phản ứng của tác giả bài viết khi nghe tin này này là: Adidas sẽ bán cái gì để cho ra lợi nhuận với mức giá này. Mỗi tháng họ phải bán bao nhiêu sản phẩm để bù đắp được chi phí?

Tương tự như khi Victoria’s Secret thay thế Forever 21 tại khu mua sắm Causeway Bay, không ngạc nhiên khi Forever 21 đã phải bỏ cuộc, phá ngang hợp đồng thuê nhà 10 năm bắt đầu từ năm 2011 với giá thuê 11 triệu đôla Hong Kong mỗi tháng.

Vậy điều gì khiến Victoria's Secret lại nghĩ rằng họ có thể có lợi nhuận, kể cả khi chủ nhà đã giảm một phần ba giá cho thuê xuống còn 7 triệu đôla Hong Kong.

Hiện giá thuê trung bình tại trung tâm mua sắm Hong Kong vẫn trên 15.600 đôla Mỹ mỗi mét vuông, cao gấp ba lần trung tâm mua sắm sầm uất tương đương trong khu vực là Sydney, với mức giá trung bình 5.900 USD.

Ngày càng nhiều lựa chọn cho khách hàng ở đại lục khi họ muốn mua sắm đồ xa xỉ. Họ không cần trực tiếp đi mua, mà có thể thông qua hệ thống các "daigou", những người mua hàng xách tay tại châu Âu sẽ mua tại chỗ rồi chuyển đến tận nhà cho khách. Ngoài ra, người Trung Quốc ngày càng quen với các website bán hàng trực tuyến như Taobao, Conlector Square.

Nếu sự thay đổi này còn tiếp diễn thành hệ thống, Hong Kong sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ về kinh tế và xã hội. Một lượng lớn dân số Hong Kong làm trong ngành bán lẻ và họ sẽ là những người bị ảnh hưởng đầu tiên.

Với biệt danh Thiên đường mua sắm, Hong Kong từng là miền đất hứa với những cơ hội việc làm không đòi hỏi bằng cấp quá cao. Nhưng từ nay việc này có lẽ đã thay đổi.

Vân Vũ