Thị trường vàng bị 'mắc kẹt' đang chờ tín hiệu phục hồi
Tiếp tục neo ở mốc 56 triệu đồng/lượng
Ở phiên đầu tuần, giá vàng trong nước giảm nhẹ khi giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần qua khi đồng USD mạnh lên và các cuộc thảo luận về gói cứu trợ COVID-19 tại Mỹ không có dấu hiệu tiến triển.
Sang phiên 27/10, kim loại quí trong nước đảo chiều đi lên theo giá vàng thế giới. Trong phiên này, giá vàng châu Á tăng nhẹ trong bối cảnh đồng USD yếu và làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có nguy cơ làm chậm đà phục hồi kinh tế thế giới.
Kim loại quí tiếp tục tăng trong phiên tiếp trong bối cảnh giá vàng thế giới đi lên nhờ đồng USD yếu và những lo ngại về làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19.
Đà tăng đã bị chặn lại khi giá vàng thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch đêm 28/10 khi giới đầu tư đổ xô vào đồng USD trong bối cảnh không có dấu hiệu của bất kỳ biện pháp kích thích tài chính mới nào của Mỹ nhằm giảm bớt cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Giá vàng trong nước theo đó cũng lùi về sát mốc 56 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trong nước tiếp đà giảm theo giá vàng thế giới, trước đà mạnh lên của đồng USD và sự thiếu rõ ràng về gói kích thích kinh tế tế mới tại Mỹ. Giá vàng trong nước được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 56 triệu đồng/lượng.
Sáng 1/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,95 - 56,47 (mua vào - bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 55,95 - 56,24 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng khoảng 100 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng suy giảm tuần thứ ba liên tiếp
Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần giao dịch không mấy khởi sắc khi có hai phiên giảm mạnh, hai phiên phục hồi nhẹ và một phiên không dịch chuyển.
Trong phiên 30/10, giá vàng thế giới vẫn giảm 1,3% trong cả tuần qua và đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Còn theo số liệu từ Dow Jones Market Data, giá vàng cũng để mất 0,8% trong cả tháng 10.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư Blue Line Futures, cho biết vàng đã bị “mắc kẹt” trong khoảng 1.930 - 1.880 USD/ounce và đang chờ đợi tín hiệu từ cuộc bầu cử cùng làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19.
Giới quan sát cho rằng hiện không có yếu tố hỗ trợ giá vàng nào dù số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở các nước châu Âu, khiến các nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, bên cạnh những lo lắng về “sức khỏe” của kinh tế Mỹ và đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Kevin Rich, Cố vấn thị trường vàng toàn cầu của Xưởng đúc tiền xu Perth Mint của Australia cho biết sắp tới vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ để vàng tiếp tục đà tăng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bất kể kết quả như thế nào.
Ông cho hay các gói kích thích tài khóa được áp dụng ở Mỹ và trên toàn cầu trong thời gian tới, kết hợp với khoản nợ chính phủ khổng lồ sẽ gây áp lực lên rất nhiều đồng tiền, bao gồm cả đồng USD.
Một khi đồng bạc xanh yếu đi, sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng sẽ gia tăng đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 24%. Kim loại quí này có xu hướng được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương vì nó được coi là “hàng rào” chống lạm phát vàng.