|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường thịt heo tại TPHCM đã hạ nhiệt?

08:00 | 28/02/2020
Chia sẻ
Giá heo hơi tại TPHCM sau Tết đã giảm dần xuống còn 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giảm chưa lớn so với nhu cầu của thị trường.
Thị trường thịt heo tại TPHCM đã hạ nhiệt? - Ảnh 1.

Giá bán thịt heo tại siêu thị vẫn giữ ở mức cao. Ảnh:N.H

Giá giảm dần

Theo thông tin từ Chợ đầu mối Hóc Môn, vào ngày 26/2, giá heo hơi CP được bán với giá cao nhất khoảng 75.000 đồng/kg, giá heo mảnh loại 1 giá 100.000 đồng/kg, loại 2 giá 88.000 đồng/kg, thịt cốt lết bán 90.000 đồng/kg, nạc dăm 105.000 đồng/kg, sườn non 140.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, giá heo hơi tại chợ đã giảm dần thành nhiều đợt từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với mức giảm từ 83.000 đồng/kg từ 1 tháng trước Tết xuống còn 75.000 đồng/kg.

Tương tự, theo ghi nhận tại các chợ lẻ, giá bán thịt heo cũng đã giảm dần khoảng 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg lần. Hiện giá ba rọi rút sườn, sườn heo bán với giá 170.000 đồng/kg, các loại thịt khác được bán giao động ở mức từ 130.000 đồng đến 140.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Tiển, giá heo giảm do thời gian gần đây các ban ngành đã ra quân xử lý tình trạng găm hàng mang lại sự yên tâm cho các thương lái về nguồn cung. Nếu như ở thời điểm trước và trong Tết, giá heo của các đơn vị bên ngoài bán ra luôn đẩy cao hơn giá bán của các nhà cung ứng lớn như CP thì hiện nay giá heo đã lập lại trật tự, giá heo của CP luôn ở mức cao nhất sau đó là các đơn vị khác.

Bên cạnh đó, sự tham gia của nguồn heo nhập khẩu bổ sung vào nguồn cung đang thiếu hụt do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi cũng như sức tiêu thị trên thị trường giảm sút một phần đáng kể do người tiêu dùng đã chuyển dần lựa chọn các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo. 

Đồng thời, các bếp ăn tập thể, căn tin trường học chưa hoạt động lại do ảnh hưởng của dịch Covid -19 cũng tác động làm giảm giá thịt heo tại TPHCM thời gian gần đây. Theo ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn và các chợ lẻ trên địa bàn TPHCM sức mua thịt heo cũng như các loại thực phẩm rau củ khác đều giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài các nguyên nhân trên, một số nhà cung ứng nguồn thịt heo trên thị trường thời gian qua cũng đã có sự điều chỉnh giá bán. 

Cụ thể, theo thông tin từ Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) trong dịp sốt giá thịt heo vừa qua, C.P. Việt Nam luôn bán giá heo hơi thấp hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg, hiện tại công ty liên tục điều chỉnh giá giảm xuống từ mức 80.000 đồng/kg xuống dưới 75.000 đồng/kg trong thời điểm tháng 2/2020 này.

Cụ thể trong tháng 10/2019, khi giá heo hơi có thời điểm tăng đến 95.000 - 97.000 đồng/kg, giá heo hơi của C.P. Việt Nam cao nhất bán ra 85.000 đồng/kg. Thời điểm trong Tết Canh Tý, công ty đã giảm giá xuống 82.000 đồng/kg, sau Tết giá tiếp tục giảm. 

Cụ thể, ngày 1/2, giá heo hơi giảm 1.500 đồng/kg; ngày 8/2, giảm 1.000 đồng/kg; ngày 13/2, giảm 1.500 đồng/kg và ngày 15/2, giảm tiếp 3.000 đồng/kg. Hiện tại, giá heo hơi của C.P. Việt Nam niêm yết là loại tốt là 75.000 đồng/kg và heo đực là 73.000 đồng/kg.

Sẽ tiếp tục giảm sâu?

Nhận định về xu hướng giá thịt heo trong thời gian tới, ông Lê Văn Tiển cho biết, giá heo hơi sẽ phải tiếp tục giảm nữa mới đúng giá thành và đảm bảo lợi nhuận cho người kinh doanh vì theo các thương lái tại chợ cho biết với mức giá 75.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, mặc dù đã được chiết khấu thêm 1.000 đồng/kg nhưng giá heo phải giảm nữa thương lái mới có lời.

Tuy nhiên để giảm được giá thịt heo trong tình hình hiện nay bên cạnh giải pháp trước mắt là tăng nguồn nhập thịt nhập khẩu thì giải pháp lâu dài vẫn là tái đàn nâng sản lượng, phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Hiện sản lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn đã giảm đến 27% chỉ còn 3.500 con so với mức 5.100 đến 5.200 con so với cùng thời điểm năm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cho biết, hiện tại giá heo hơi bán ra nơi cao nhất là 76.000 đồng/kg, thấp nhất 73.000 đồng/kg, trung bình 74.500 đồng/kg. Theo đại diện Tập đoàn này, tốc độ tái đàn của công ty hiện nay tăng khoảng 5% và đạt 10% trong cả năm 2020. Với mức tăng trưởng này, dự báo giá heo hơi sẽ trở về như cũ vào cuối năm nay.

Trong khi giá heo tại chợ đầu mối và các chợ lẻ tiếp tục đà giảm thì giá bán thịt heo bình ổn bán tại các siêu thị vẫn ổn định ở mức khá cao. Điển hình, giá thịt heo Vissan ngày 27/2 tiếp tục giữ ổn định, dao động trong khoảng từ 151.900 đồng đến 219.900 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, giá thịt heo Công ty Vissan được xây dựng trên mặt bằng giá cũ cộng thêm các chi phí khác để có thể đưa sản phẩm ra thị trường, nên mặc dù giá heo hơi trên thị trường có giảm nhưng Vissan vẫn chưa có lời.

"Với giá heo hơi bị đẩy cao như thời điểm trước và trong Tết, Vissan phải chịu lỗ khi đưa sản phẩm ra thị trường. Và mặt dù đã giảm so với đỉnh giá tết nhưng giá heo hơi hiện nay vẫn còn rất cao.

Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang có lãi, đây sẽ là động lực cho việc tái đàn, tuy nhiên sau trận dịch vừa qua người chăn nuôi cũng sẽ thận trọng hơn trong việc tái đàn do vậy khả năng giá heo hơi tiếp tục giảm sâu là không nhiều, nếu có giảm thì cũng chỉ giảm thêm chút ít.

Dự kiến cũng chỉ dao động xung quanh mức giá từ 70.000 đồng đến 75.000 đồng/kg", ông An cho biết.

Giá heo bình ổn thị trường của TPHCM đã được điều chỉnh tăng giá 3 lần kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn. Gần đây nhất, ngày 1/1, Sở Tài chính TPHCM áp dụng giá mới cho các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường.

Theo đó, giá thịt heo tăng từ 12.000-22.000 đồng/kg so với trước đó. Mức tăng lần này được tính toán dựa trên giá heo hơi đầu vào của các DN tham gia bình ổn thị trường và bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%, theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Tính chung cả 3 đợt điều chỉnh giá (hai đợt đầu vào cuối tháng 10 và giữa tháng 11/2019) giá thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM đã tăng từ 26.000 đồng đến 73.000 đồng/kg tùy thành phẩm.

Nguyễn Huế

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.