|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm giá heo hơi mới giải quyết phần ngọn của bất hợp lí giá thịt heo

22:10 | 22/02/2020
Chia sẻ
Sau khuyến nghị của Bộ NN&PTNT, giá heo hơi đã hạ nhiệt phần nào, tuy nhiên đây mới chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Sau khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến nghị các công ty chăn nuôi giảm giá thì nhiều nơi ở Đông Nam bộ giá heo hơi đã hạ nhiệt phần nào. Trong khi đó, ở TPHCM giá thịt heo lại chỉ giảm nhẹ. 

Thực tế, thương lái thời gian qua luôn tận dụng cơ hội này để ép giá người chăn nuôi, thu mua với giá thấp nhưng bán ra thị trường với giá cao. Còn các giải pháp của cơ quan chức năng mới chỉ là tình thế giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Mấy ngày nay, giá heo hơi ở tại các tỉnh Đông Nam bộ đã giảm từ gần 80 ngàn xuống còn 72.000-75.000 đồng/kg. Còn tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM giá giảm nhưng không đáng kể.

Giảm giá heo hơi mới giải quyết phần ngọn của bất hợp lí giá thịt heo - Ảnh 1.

Thịt heo bán ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.

Theo nhiều tiểu thương thì việc giảm giá là do sức mua giảm, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên các trường học ngưng mua chứ không phải do tác động của cơ quan chức năng. Riêng siêu thị thì giá thịt heo không giảm.

Chị Nguyễn Thị Oanh, người dân Quận 1, một khách hàng mua thịt cho biết: “Tôi đi siêu thị giá thịt heo vẫn như lúc tết. Tôi mua thịt ba rọi gần 400gram hơn 80.000 đồng. Tôi nghe Nhà nước nói giảm giá mà tôi có thấy giảm giá đâu, giá vẫn như đợt tết”.

Đến thời điểm này, giá thịt heo ở các siêu thị tại TPHCM chưa giảm là do các đơn vị này không mua trực tiếp từ người chăn nuôi mà đặt hàng, ký hợp đồng qua các nhà cung cấp và đã chốt giá từ trước Tết. 

Các doanh nghiệp cung ứng thịt heo chưa giảm giá nên siêu thị vẫn giữ giá cũ. Trong khi đó, các công ty chăn nuôi đã chủ động giảm giá heo hơi, theo khuyến nghị của Bộ NN&PTNT.

Đến thời điểm này, giá heo hơi ở những khu vực chăn nuôi trọng điểm như: Đồng Nai, Bình Dương… đã giảm từ 80.000 đồng xuống còn 72.000-75.000 đồng/kg. Còn tại các chợ đầu mối thì giá heo mảnh vẫn ở mức từ 100.000 - 115.000 đồng/kg.

Trong khi, giá thịt heo ba rọi bán ở chợ từ 160.000 -180.000 đồng/kg, thịt đùi 120.000 đồng/kg. Còn tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích, thịt ba rọi có giá từ 180.000 - 250.000 đồng/kg, thịt đùi 140.000 đồng/kg. Đây là mức chênh lệch rất cao giữa giá heo hơi ở trại chăn nuôi với giá thịt heo đến tay người tiêu dùng.

Theo nhiều người chăn nuôi, sự tác động của Bộ NN&PTNT vào giá heo hơi, chỉ mới giải quyết phần ngọn, không chỉ chưa mang lại lợi ích thực tế cho người tiêu dùng mà còn khiến cho người chăn nuôi khó khăn hơn.

Anh Lê Văn Hiền, chủ trại heo ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nói: “Người chăn nuôi bị thương lái ép giá, họ nói Bộ NN&PTNT yêu cầu các công ty giảm giá về 75.000 đồng/kg heo hơi thì người chăn nuôi nhỏ phải giảm giá thấp hơn giá 75.000 đồng/kg”.

“Thương lái họ còn tác động thêm nữa là giá heo không biết khi nào giảm tiếp nên ai có heo gần tới lứa buộc phải bán hết. Trong khi, giá thịt bán ở chợ thì tiểu thương vẫn giữ giá cao, phần này đâu ai quản lý, nên người chăn nuôi và người tiêu dùng đều thiệt thòi”, anh Hiền cho biết thêm.

Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện nay giá thịt heo chênh lệch lớn ở khâu đầu và cuối là do thương lái ở khâu trung gian hưởng lợi nhuận nhiều.

Bất cập này đã tồn tại lâu nay, lúc giá heo hơi thấp kỷ lục còn dưới 30.000 đồng/kg thì người tiêu dùng vẫn mua thịt heo với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Hiện nay, giá heo hơi giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm tết thì thì người tiêu dùng vẫn mua thịt heo giá cao.

Nguyên nhân một phần là do con heo đi vòng qua nhiều tầng nấc trung gian, từ 3 đến 4 nấc thương lái, thì miếng thịt mới đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, để giảm tầng nấc trung gian thì phải tổ chức lại ở khâu chăn nuôi, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ để tạo ra sản lượng lớn, tạo điều kiện phát triển hệ thống mua thu, giết mổ tập trung.

Thêm vào đó, chi phí logistics ở Việt Nam rất cao, đến 22%, trong khi đó chi phí này của các nước khác trên thế giới khoảng 17% nên làm tăng giá thành miếng thịt heo.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, cho rằng: muốn giảm được chi phí trung gian phải kéo giảm được chi phí logitics. Các bộ, ngành chức năng và địa phương phải phát triển đồng bộ, nâng cấp hệ thông giao thông, kho trữ...

Hiện nay, không chỉ thịt heo mà các sản phẩm nông sản khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trước những bấp cập trong khâu trung gian, do giá mua, giá bán bị thương lái chiếm lợi nhuận nhiều, TPHCM đang giao Sở Công thương thành phố nghiên cứu Đề án thành lập sàn giao dịch heo. 

Khi có sàn giao dịch này, thông tin về giá cả từng bước sẽ minh bạch, từ số lượng heo đang bán, chất lượng, nguồn gốc heo…

Việc này sẽ giải quyết được căn cơ tình trạng thông tin bị cắt khúc ở khâu trung gian, dẫn đến tình trạng người mua người bán không biết nhau mặc cho thương lái ép giá…

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Tổng hợp - Hành chính Sở  Công thương TPHCM cho biết: “Hoạt động đấu giá trên sàn giúp cho việc mua bán rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng đảm bảo quy luật thị trường, không có người nào có thề tác động làm méo mó quy luật giá trị, cung cầu thị trường. 

Có bao nhiêu hàng chúng tôi công bố lên, ngày giờ đó bán heo chất lượng, số lượng, giá cả, người mua có thể định giá, người mua, bán không thể tự nâng giá”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng: Sàn giao dịch heo chỉ là một trong những giải pháp trước mắt để hạn chế những bất cập trong thị trường giá thịt heo. 

Để cho thị trường này phát triển lành mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có phương án chi tiết hơn trong việc triển khai giải pháp dài hạn, như: tập trung tái đàn, đảm bảo nguồn cung tốt, chủ động bảo lãnh tín dụng và có chính sách thúc đẩy tiêu thụ hàng, dùng các biện pháp tài chính, thuế để bình ổn thị trường... 

Từ đó mới có thể điều tiết giá thịt heo vận hành theo quy luật cung - cầu của cơ chế thị trường, tránh tình trạng phải dùng biện pháp hành chính để điều tiết giá heo nhưng không không mang hiệu quả như hiện nay.

Lệ Hằng