Thị trường tháng 8 qua lăng kính CTCK: Áp lực giảm điểm
Rủi ro giảm điểm hiện hữu
Theo báo cáo chiến lược tháng 8 của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận thị trường có dấu hiệu tích cực hơn trong quý II và dự kiến sẽ mở rộng thêm các nhóm ngành trong nửa cuối 2024, trong đó các ngành nổi bật như bán lẻ, tiêu dùng, xuất khẩu.
Sự mở rộng tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán (TTCK) nhờ dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành và số lượng mã trụ cột dẫn dắt cho thị trường tăng lên, giống như diễn biến trong tháng 7.
Bước sang tháng 8, thị trường không giữ được sự cân bằng đã thiết lập. VN-Index đã giảm 5% chỉ trong 3 phiên và giảm 8,4% từ đỉnh ngắn hạn vào ngày 10/7 quanh 1.300 điểm.
Thị trường biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới. Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như: rủi ro tỷ giá giảm dần; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý tích cực và định giá thị trường sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.
Một số chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng trung tính yếu trên biểu đồ trung hạn. Tuy nhiên, nhịp giảm điểm điều chỉnh trong tháng 8 dù gây ra áp lực lớn nhưng nhanh chóng lấy lại cân bằng.
Theo ước tính của SSI Research, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính một năm thấp hơn so với bình quân 5 năm. Vùng hỗ trợ trung hạn 1.145 - 1.155 điểm được kỳ vọng có thể tạo sự cân bằng. Dù vậy, đà phục hồi mạnh chưa được đánh giá cao, và vùng 1.260 điểm có thể là vùng cản trong quá trình phục hồi của VN-Index.
Báo cáo chiến lược tháng 8 của KBSV, về mặt định giá, mức P/E hiện tại của VN-Index khoảng 14 lần. Mức định giá này đang thấp hơn đáng kể so với mức bình quân hai năm ở 14,9 lần.
Ở góc độ tích cực, việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho hoạt động sản xuất, công nghiệp, đầu tư và tiêu dùng trong nước lần lượt hồi phục. Trong ngắn hạn, giai đoạn nửa cuối quý III sẽ là một trong những thời điểm quan trọng để thiết lập những kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán (TTCK).
Ở khía cạnh kỹ thuật, trên khung đồ thị ngày, VN-Index đang rơi vào xu hướng giảm điểm ngắn hạn kể từ vùng đỉnh giữa tháng 6/2024 với việc tạo đỉnh/đáy sau thấp hơn đỉnh/đáy trước.
Kết hợp với các yếu tố cơ bản hiện tại, KBSV nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ tiếp tục chịu quán tính giảm điểm và có thể bắt đầu cho phản ứng hồi phục khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ gần quanh 1.150 (+-10) điểm. Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số có thể lùi xuống vùng hỗ trợ mạnh/sâu hơn tại quanh 1.080 (+-15) điểm trước khi có cơ hội hồi phục trở lại.
Chứng khoán Mirae Asset (VN) (MASVN) cũng có góc nhìn thận trọng. Theo nhóm phân tích, bức tranh kết quả kinh doanh quý II dù rất tích cực nhưng chưa thể cải thiện tâm lý giao dịch chung. Phần lớn tăng trưởng trong lợi nhuận quý II được bổ trợ bởi nhóm ngân hàng, bên cạnh là nhóm nguyên vật liệu (dẫn dắt bởi Tập đoàn Hòa) và bán lẻ (chủ yếu đến từ Thế Giới Di Động). Thị trường vẫn ghi nhận một số cơn gió ngược đến từ các ngành như bất động sản, tiện ích, dầu khí hay vận tải.
Tháng 8, MASVN gợi đến hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Sau ba phiên giao dịch đầu tiên của tháng, thị trường Việt Nam đón nhận các đợt gió ngược trên thị trường thế giới gây nên hiện tượng biển “đỏ” lan rộng đến gần như toàn bộ các thị trường lớn trên toàn cầu.
MASVN cho rằng diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ góp phần tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam.
Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, thị trường được kỳ vọng sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá thấp của VN-Index, tiêu biểu như vùng 1.050 điểm đến 1.150 điểm.
Báo cáo chiến lược tháng 8 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với tăng trưởng EPS 4 quý gần nhất (tính đến quý II) là khoảng 10% so với cùng kỳ, thì vùng P/E hợp lý trong quý III/2024 của VN-Index có thể kỳ vọng là 14x – 15x.
Chỉ tiêu này tương ứng vùng 1.237 - 1.325 điểm của VN-Index. Trong khoảng thời gian dài hơn, dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (14%-18%) và kịch bản P/E giao dịch trong vùng 13,5x - 15x, vùng điểm hợp lý của VN-Index sau khi phản ánh kết quả tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh cả năm 2024 sẽ là 1.236-1.420 điểm.
Các rủi ro vẫn đang hiện hữu trên thị trường bao gồm thông điệp và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Fed, căng thẳng địa chính trị, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. VDSC lưu ý TTCK thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số biến động tiêu cực hơn kỳ vọng.
Cơ hội mua cổ phiếu ở vùng giá phù hợp
Theo SSI Research, biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối tốt. Các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm như hàng tiêu dùng, cảng - vận tải biển.
Báo cáo tháng 8 của SSI khuyến nghị thêm mới VNM; nắm giữ PNJ, HAH, DPR; ngược lại loại ra VHC, ACV, MSN.
Báo cáo chiến lược tháng 8, KBSV đưa lĩnh vực vận tải biển ra khỏi danh sách chủ đề đầu tư, sau khi nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến mức tăng giá tương đối nóng chỉ trong vòng một thời gian ngắn.
Các chủ đề đầu tư còn lại bao gồm phục hồi kết quả kinh doanh, vốn đầu tư FDI, đầu tư công và pha La Nina đến gần đã được cập nhật tại các báo cáo chiến lược kể từ giữa 2023 và dự kiến vẫn còn đem đến triển vọng tích cực cho các nhóm cổ phiếu tương ứng.
Theo báo cáo chiến lược của Chứng khoán Yuanta (VN), định giá của VN-Index giảm về mức đáy tháng 4 và rơi vào trạng thái quá bán, cho thấy thị trường đang ở mức hấp dẫn.
Đồng thời, đà tăng trưởng trong quý II của các doanh nghiệp niêm yết sẽ củng cố thêm cho mức định giá hấp dẫn của thị trường. Do đó, Yuanta kỳ vọng vùng 1.200 điểm của chỉ số VN-Index là vùng giải ngân thích hợp. Rủi ro tỷ giá giảm khi chỉ số USD tiếp tục giảm mạnh cùng với lợi suất trái phiếu USD hạ nhiệt, cho nên các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ dừng bán và sớm quay trở lại mua ròng.
Xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Chứng khoán Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì vị thế mua và nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Một số nhóm ngành đáng chú ý tháng 8 gồm: vận tải, công nghệ, sản xuất dầu khí, sản xuất thực phẩm, hóa chất, ngân hàng và bán lẻ.
Tại báo cáo khuyến nghị mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), với lợi nhuận tăng trưởng trong quý II và triển vọng tích cực trong các quý sắp tới, P/E cho năm 2024 của VN-Index ước tính ở mức 11,7 lần, tương đối hấp dẫn khi thấp hơn so với mức 13,7 lần trung bình 5 năm vừa qua.
Sau khi đánh giá chọn lọc, Agriseco đưa ra danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 8, với những doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, định giá hợp lý, hoặc thuộc những ngành hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Danh mục cụ thể gồm ACB, HPG, IDC, MWG, PTB, PVD.
Cho nửa cuối năm 2024, VDSC đánh giá môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi. Do vậy, cổ phiếu lựa chọn cho nửa cuối năm gồm những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản.
Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu đáng kể về giá cổ phiếu, khi xu hướng lợi nhuận của ngành này khả quan.