Chứng khoán Mirae Asset: Kịch bản tiêu cực VN-Index có thể rơi về 1.050 - 1.150 điểm trong tháng 8
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Mirae Asset VIệt Nam (MASVN), kết thúc tháng 7, VN-Index đã đánh rơi toàn bộ thành quả tích lũy ở tuần giao dịch đầu tiên với giảm kéo dài ba tuần liên tiếp. Chỉ số đóng cửa ở mức 1.251,51 điểm, tăng 0,5% so với tháng trước.
Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý II dù rất tích cực nhưng chưa thể cải thiện tâm lý giao dịch chung. Cụ thể, tổng lợi nhuận ròng các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE đạt hơn 105.000 tỷ đồng trong quý, ghi nhận tăng 16,1% so với cùng kỳ và 5,1% so với quý I.
Theo nhóm phân tích, phần lớn tăng trưởng trong lợi nhuận được bổ trợ bởi sự bùng nổ kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng khi ghi nhận tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ và 4,1% so với quý trước. Bên cạnh là nhóm nguyên vật liệu (dẫn dắt bởi Tập đoàn Hòa Phát khi công bố lợi nhuận ròng quý II tăng trưởng 127% so với cùng kỳ và 16% so với quý trước) và bán lẻ (chủ yếu đến từ Thế Giới Di Động với tăng trưởng lợi nhuận ròng gấp 15 lần so với cùng kỳ và 23% so với quý trước).
Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số cơn gió ngược đến từ các ngành như bất động sản, tiện ích, dầu khí hay vận tải.
Về diễn biến giao dịch chung trong tháng 7, ngân hàng đóng góp phần lớn đến đà phục hồi chung tại VN-Index; bên cạnh là các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM và PLX song mức ảnh hưởng vẫn không thực sự đáng kể do tỷ trọng vốn hóa thấp.
Tâm lý giao dịch tiếp tục chịu sức ép đáng kể khi ảnh hưởng bởi các tin tức vĩ mô thế giới với giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh bình quân giảm 23% so với tháng trước, dù bức tranh lợi nhuận quý 2 đã khép lại với những con số tăng trưởng ấn tượng.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 9.230 tỷ đồng trong tháng 7, kéo dài chuỗi mua ròng sang 6 tháng liên tiếp và nâng lượng mua ròng lũy kế từ đầu năm lên 65.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm này cũng đang dần trở nên kém lạc quan về diễn biến giao dịch ở những ngày đầu tháng 8 khi ghi nhận những phiên bán ròng mạnh do ảnh hưởng của các tin tức tiêu cực đến từ thị trường thế giới.
Trong khi đó, khối ngoại duy trì chuỗi bán ròng, bán ra 8.370 tỷ đồng trong tháng 7 và lũy kế 60.400 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, kéo dài xu hướng bán ròng lên 16 tháng liên tiếp, ngoại trừ tháng 1 ghi nhận lượng mua ròng nhỏ 185 tỷ đồng.
Tháng 8, MASVN gợi đến hiệu ứng “hòn tuyết lăn”. Sau ba phiên giao dịch đầu tiên của tháng, thị trường Việt Nam đón nhận các đợt gió ngược trên thị trường thế giới gây nên hiện tượng biển “đỏ” lan rộng đến gần như toàn bộ các thị trường lớn trên toàn cầu.
Nhóm phân tích nêu một số yếu tố kém khả quan và những rủi ro cần theo dõi trong tháng 8. Thứ nhất, thị trường lao động suy yếu tại Mỹ có khả năng sẽ khiến Fed phải hành động nhanh hơn cùng với các đợt cắt lãi suất có quy mô lớn và liên tục.
Thị trường tương lai nhanh chóng phản ứng với thông tin trên khi kỳ vọng chung cho rằng Fed sẽ giảm tổng cộng 125 điểm cơ bản trong quý IV từ vùng lãi suất 5,25% - 5,5% ở hiện tại, tăng mạnh so với kỳ vọng chỉ có 2 lần cắt lãi suất (khoảng 50 điểm cơ bản) vào tuần trước.
Thứ hai, làn sóng đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ dần hạ nhiệt tại Mỹ khi nhà đầu tư lo sợ rằng thị trường sẽ bước qua giai đoạn tương tự với sự kiện bong bóng Dotcom năm 2000 khi công nghệ trí tuệ nhân tạo dù sở hữu rất nhiều tiềm năng song đi kèm với chi phí đầu tư rất lớn nhưng khả năng sinh ra lợi nhuận ở hiện tại vẫn còn là một ẩn số.
Trong khi đó các công ty công nghệ vẫn đang tăng tốc trong quá trình cắt giảm chi phí thông qua tối ưu nguồn nhân lực. Tiêu biểu như Intel, cổ phiếu này đã giảm hơn 31% sau khi đưa ra thông báo cắt giảm 15% lượng nhân sự hiện tại.
Thứ ba, bất đối xứng trong chính sách tiền tệ có khả năng sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ khi Fed đã giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản từ 60 tỷ USD về 25 tỷ USD mỗi tháng trong khi có khả năng rằng Fed sẽ buộc phải cắt lãi suất sớm và theo sát với diễn biến thị trường khi rủi ro suy thoái dần hiện hữu.
Điều này dẫn đến tình trạng bất đối xứng trong chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận rủi ro chính trị đến từ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 khi chính sách kinh tế của cả hai ứng viên tổng thống đều đang nghiêng về viễn cảnh gia tăng thâm hụt tài khóa, dẫn đến áp lực lạm phát trở lại.
Thứ 4, Nhật Bản bước ra khỏi giai đoạn tiền rẻ và chính sách lãi suất âm, và đồng thời đưa ra tín hiệu về việc kết thúc kỷ nguyên Carry Trade. Điều này làm gia tăng nhu cầu nắm giữ đối với đồng yên Nhật tăng cao trong thời gian qua – USD/JPY giảm hơn 12% trong hai tháng gần nhất kể từ mức đỉnh lịch sử.
Cùng với đó là rủi ro chiến tranh leo thang và toàn diện giữa Israel và Iran cùng các đồng minh tại khu vực Trung Đông; hay chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ làm kéo dài thời gian phục hồi của giao thương toàn cầu.
Trong bối cảnh cả Mỹ, Trung Quốc đều đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam nhưng cũng đều đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này có khả năng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai.
Theo MASVN, diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù vậy, rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ góp phần tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam.
Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, thị trường được kỳ vọng sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá thấp của VN-Index, tiêu biểu như vùng 1.050 điểm đến 1.150 điểm. Kỳ vọng vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và xu hướng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm.