|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường quý II đối mặt với nhiều thách thức, NĐT nên giao dịch trong khung thời gian ngắn

10:18 | 19/04/2023
Chia sẻ
VCBS cho rằng chiến lược giao dịch cho những quý tới sẽ nên thiên về tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn của thị trường để giao dịch trên khung thời gian ngắn và với trọng tâm là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong những tháng tới, kinh tế Việt Nam đối mặt với nguy cơ tăng trưởng giảm tốc trong khi lạm phát cao vẫn tiềm ẩn khả năng quay trở lại (stagflation).

Mặc dù việc Việt Nam chịu ảnh hưởng từ rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận diễn biến tích cực hơn so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Nhìn về dài hạn, Việt Nam chứa đựng nhiều lợi thế riêng, có tiềm năng rất lớn thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.

Xét trong trung hạn, nhịp hồi phục của VN-Index từ vùng đáy gần nhất là 900 điểm bắt đầu từ thời điểm nửa cuối tháng 11/2022 cho đến hiện tại đang phản ánh xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất Việt Nam đồng.

Trên cơ sở kỳ vọng tín dụng không tăng trưởng nóng dẫn đến mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng hạ nhiệt trong những tháng còn lại của năm 2023, VCBS sử dụng trên mô hình tương quan giữa VN-Index và biến động mặt bằng lãi suất (với tham chiếu là lãi suất huy động bình quân 12 tháng bằng VNĐ) trong quá khứ những năm có điều chỉnh theo thanh khoản bình quân phiên trên thị trường.

Cụ thể, các nhà phân tích của VCBS kỳ vọng mức cao nhất của VN-Index trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 1.180 điểm, tương ứng thấp hơn 22% so với mức đỉnh của năm 2022.

Còn trong quý II/2023, mặt bằng lãi suất được dự báo tiếp tục giữ ở mức thấp hơn đôi chút so với quý đầu năm và theo đó VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng dao động trong khoảng 1.020 - 1.120 điểm.

Về thanh khoản thị trường, khối lượng giao dịch bình quân phiên có thể đạt khoảng 700 - 750 triệu cổ phiếu trên cả ba sàn cho cả năm 2023, tương ứng giảm 10 - 15%. Giá trị giao dịch bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm 35 - 45% so với năm 2022, tương ứng đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng mỗi phiên trên toàn thị trường.

 Nguồn: Thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

Một số gợi ý đầu tư cho quý II

Năm 2023 là năm thị trường chứng khoán đối diện với nhiều thách thức khi bức tranh kinh tế thế giới có nhiều gam màu xám và dòng tiền mới tham gia vào thị trường chứng khoán cũng hạn chế hơn.

Do đó, VCBS cho rằng chiến lược giao dịch cho những quý tới sẽ nên thiên về tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn của thị trường để giao dịch trên khung thời gian ngắn và với trọng tâm là những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Nói cách khác, với mỗi giao dịch, nhà đầu tư nên kỳ vọng mức lợi nhuận thấp hơn và sẵn sàng chốt lời sau thời gian nắm giữ ngắn hơn so với giai đoạn 2020 - 2021. VCBS gợi ý một số nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới như sau:

Một là, nhóm ngành ngân hàng với tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý I/2023. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong nửa sau năm 2023.

Theo đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Hai là, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất khi việc tiếp cận nguồn vốn vay hay huy động vốn từ khác kênh phi ngân hàng đều trở nên khó khăn hơn và mặt bằng lãi suất cũng cao hơn so với trong giai đoạn COVID.

Tuy nhiên, cổ phiếu của các công ty trong ngành cũng là nhóm có mặt bằng giá được chiết khấu mạnh nhất trên thị trường chứng khoán kể từ vùng đỉnh 1.500 điểm của VN-Index.

Do đó, trong bối cảnh chính phủ đang tích cực đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chúng, nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng sẽ ghi nhận mức hồi phục nhiều hơn các nhóm ngành khác nếu VN-Index tiếp tục duy trì được diễn biến tích cực trong những quý còn lại của năm nay .

Ba là, gần tương tự như các cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu chứng khoán chứng kiến mặt bằng giá giảm rất mạnh theo xu hướng đi xuống của thị trường trong năm 2022. Mặt khác, diễn biến giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng thường bám sát xu hướng của VN-Index.

Do đó, chỉ số tiếp tục giữ được mạch hồi phục từ vùng đáy quanh 900 điểm thì nhóm chứng khoán nhiều khả năng sẽ ghi nhận diễn biến giá tích cực trong quý II cũng như phần còn lại của năm.

Bốn là, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường thuộc nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước, …

Cuối cùng, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt/giá thị trường cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt. 

Thu Thảo