Thị trường nội địa - 'điểm tựa' của doanh nghiệp trong đại dịch?
Đứt gãy chuỗi cung ứng
Khó khăn mà ngành gỗ Việt đang gặp phải là một trong những ví dụ điển hình của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19. Thông tin từ kết quả khảo sát nhanh 124 doanh nghiệp (DN) gỗ, 100% các DN cho biết, họ đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, 75% số DN phản hồi về tác động của đại dịch tới tình hình tài chính. Thiệt hại ban đầu đối với các DN này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng, tương đương gần 25 tỷ đồng mỗi DN.
Đây chỉ là những thiệt hại được đánh giá bước đầu. Thông tin từ một doanh nghiệp giấu tên, chỉ trong 2 tuần DN đã mất khoảng 4 triệu USD vì người mua hủy đơn hàng.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy đại dịch sẽ làm sụp đổ kỳ vọng này.
Ông Vũ Hải Bằng, Tổng Giám đốc công ty Woodsland, một trong những DN xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và doanh thu năm 2019 đạt 60 triệu USD từ các thị trường lớn như Mỹ và EU cho biết, hiện các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam đã đóng cửa hết hệ thống cửa hàng tiêu thụ tại các quốc gia này.
Ngành tiêu cũng không khả quan hơn ngành gỗ, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ và EU, 2 thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất trên toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do các hạn chế về việc thông quan hàng hóa. Theo đó, hầu hết các hoạt động giao dịch hồ tiêu trên thế giới trong tháng 3/2020 đều bị chậm lại.
Điều này khiến giá tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục giảm mạnh. Giá thu mua tiêu đen ngày 13/4 dao động ở mức 35.500 - 37.500 đồng/kg. Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai tính toán: “Với giá tiêu hiện tại người trồng tiêu đang lỗ khoảng 10.000 đồng/kg”.
Tương tự đối với ngành thủy sản, tỷ lệ các đơn hàng vẫn giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30 - 50%. Trong khi đó, tỷ lệ đơn hàng bị khách hàng yêu cầu tạm hoãn chiếm 20 - 40% và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy chiếm chiếm 20 - 40%...
Hướng đến nhu cầu trong nước
Trong khi các DN chế biến, xuất khẩu gỗ gặp khó khăn thì các cơ sở cung cấp, sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa như cho các làng nghề tại Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội hay Đồng Kỵ, Bắc Ninh... vẫn tiếp tục hoạt động. Một số cơ sở quy mô nhỏ tại các làng nghề như Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội đang chuyển sang sản xuất các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà trước đó phải nhập khẩu.
Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh và đại diện một số cơ sở chế biến tại làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội cùng đưa ra tổng kết, khoảng 20 - 30% các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề này vẫn đang duy trì hoạt động.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, thị trường nội địa có độ ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” đối với đại dịch tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu.
Với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu đông đảo ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ.
Kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy, thị trường nội địa bên cạnh thế mạnh là ổn định và tạo công ăn việc làm, đặc biệt cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tốt hơn so với thị trường xuất khẩu, thì các sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn trên 1 đơn vị sản phẩm so với các sản phẩm xuất khẩu.
Điều này cho thấy Chính phủ và các DN trong ngành gỗ của Việt Nam cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa.
Cụ thể là xác định những thay đổi căn bản về chủng loại sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành và phát triển các liên kết giữa các DN trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi dần từ phương thức bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng online.
Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào cũng có thể cân bằng lại khi hướng vào thị trường nội địa. Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai - giải pháp này không giải quyết được khó khăn của ngành tiêu do nhu cầu trong nước đối với mặt hàng tiêu không nhiều. Bình thường nhu cầu trong nước chỉ chiếm 5 - 7% tổng cung, nếu có phát triển thị trường này cũng chỉ tăng thêm 1 - 2%. Bên cạnh đó, ngành tiêu vẫn còn lượng tồn kho lớn của những năm trước.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng: “Phát triển thị trường nội địa đòi hỏi Chính phủ và các DN cần nghiên cứu về thị trường nội địa, từ đó hình thành các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển thị trường này”.
Nhưng ở đây ngoài câu chuyện chính sách vĩ mô, rõ ràng còn cần cả sự thay đổi trong tư duy của chính cộng đồng DN. Không thể tiếp tục kéo dài cảnh khi thừa ế thì hướng về thị trường trong nước, còn khi xuất khẩu được giá hoặc hàng hóa khan hiếm thì người tiêu dùng nội địa phải chịu mức giá cao như đã và đang xảy ra với mặt hàng thịt lợn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/