|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay (8/4): Đồng USD, euro và bảng Anh cùng chờ đợi tin tức về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và Brexit

17:54 | 08/04/2019
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối hôm nay, đồng euro và bảng Anh lơ lửng để chờ đợi kết quả Brexit, trong khi đồng USD cũng chung tâm trạng bởi thỏa thuận thương mại chưa chắc chắn.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (8/4), vào lúc 16h20 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay (8/4): Đồng USD, đồng euro và bảng Anh chung tâm thế chờ đợi tin tức mới về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và Brexit - Ảnh 1.

Tỉ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: investing)

Trong khi đó, cặp EUR/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,17% và cặp USD/JPY giảm nhiều nhất với mức giảm 0,25%.

Thị trường ngoại hối hôm nay (8/4): Đồng USD, đồng euro và bảng Anh chung tâm thế chờ đợi tin tức mới về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và Brexit - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: investing)

Thị trường ngoại hối hôm nay (8/4): Đồng USD, đồng euro và bảng Anh chung tâm thế chờ đợi tin tức mới về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và Brexit - Ảnh 3.

Đồng euro và bảng Anh "đau đáu" chờ Brexit đến hạn chót

Thị trường ngoại hối vừa bắt đầu một tuần mới lặng lẽ ở châu Âu khi cả hai loại tiền tệ lớn - đồng bảng Anh và đồng euro - đang chờ đợi thời điểm quan trọng đối với Brexit. Trong khi đó, đồng USD vẫn đang lơ lủng khi phải tiếp tục mong ngóng tin tức chính xác về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Liên minh châu Âu (EU) phải quyết định tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/4 rằng họ có sẵn sàng lùi thời hạn cho sự ra đi của Anh ngay trước thời hạn Brexit mặc định vào ngày 12/4 hay không.

Nhiều người kì vọng EU sẽ gia hạn thời hạn nhằm tránh gây ra một Brexit không thỏa thuận - vốn có thể phá vỡ nền kinh tế Ireland.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã báo hiệu rằng ông muốn đưa ra các điều kiện chính trị rõ ràng cho việc gia hạn để chắc chắn rằng Anh sẽ không gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của EU khi Anh chuẩn bị rời khỏi khối này.

Vào lúc 4h30 sáng ET (8h20 GMT), đồng bảng Anh đã ở mức 1,305 USD, tăng 0,1% so với phiên giao dịch cuối ngày 5/4 tại châu Â. Đồng thời, đồng bảng Anh cũng đã ở mức 1,1627 euro, không thay đổi nhiều.

Đồng euro đã ở mức 1,1225 USD, không vượt quá mức thấp của tuần trước (vốn gây ra do dữ liệu thương mại kém hơn dự kiến của Đức, khiến nền kinh tế của khu vực đồng euro giảm mạnh trong tháng 2/2019).

Chỉ số USD Index - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ chính - đã ở mức 96,910. Con số này đạt được là nhờ báo cáo việc làm tích cực tại Mỹ vào hôm 5/4, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động tuyển dụng và giảm nhẹ lạm phát tiền lương tại Mỹ.

Bản báo cáo đã tiếp thêm niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong năm nay và có thể cắt giảm lãi suất do áp lực chính trị từ Tổng thống Trump lên Fed ngày càng tăng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cảm thấy việc cắt giảm lãi suất là khó xảy ra.

"Dữ liệu từ Mỹ là khá đáng tin cậy", bà Isabelle Mateos y Lago, chiến lược gia đa trưởng tại Blackrock Investment Institute, nói với Bloomberg TV. Bà nói thêm rằng bà nghĩ Fed sẽ ngừng tăng lãi suất ít nhất là trong suốt cuối năm nay.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng do hành động đáp trả từ Mỹ

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chịu áp lực do căng thẳng gia tăng giữa nước này và Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không của Nga. Mỹ đã tạm dừng việc giao các thiết bị liên quan đến đơn hàng máy bay chiến đấu F-35 để đáp trả.

Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang vật lộn để thoát khỏi vòng xoáy nợ nần khi các khoản vay nước ngoài đạt mức cao kỉ lục. Nguyên nhân là do sự sụt giảm của đồng lira đã đẩy các chi phí nghĩa vụ bằng đồng USD và euro.

Các ngân hàng đang phải mang gánh nặng do nhu cầu tái cơ cấu các khoản nợ của một số ông lớn ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và các khoản nợ xấu tăng. Các ngân hàng cũng đang rút lại việc cung cấp tín dụng mới khi hệ thống tài chính chịu áp lực ngày càng tăng từ suy thoái kinh tế và tỉ lệ lạm phát gần 20%.

Mặc dù đồng lira đã phục hồi từ mức thấp nhất vào tháng 8/2018, đồng tiền tệ này vẫn giảm một phần ba so với đồng USD kể từ đầu năm 2018. Kết quả là khoản nợ của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến mức 40% GDP, vượt quá tỉ lệ tại 10 thị trường mứi nổi của Đồng Âu và Nam Phi - trung bình đạt 22%, theo dữ liệu tổng hợp bởi Bloomberg.

Việc đồng lira mất giá đã gây ra lạm phát đối với các loại tài sản có trọng số rủi ro bằng ngoại tệ và tỉ lệ vốn tại các ngân hàng, theo Fitch Ratings. Nợ xấu có thể trở nên tồi tệ hơn do triển vọng kinh tế yếu, lãi suất cao và áp lực đối với cho vay ngoại tệ.

Trần Nam Thi