Thị trường ngoại hối hôm nay (27/8): PBoC không hài lòng trước tình trạng xuống giá của đồng nhân dân tệ
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (27/8), vào lúc 18h36 giờ Việt Nam có 6/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 4 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp GBP/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,41% và cặp EUR/GBP giảm nhiều nhất với mức giảm 0,32%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)
Đồng CNY cùng một lúc đương đầu với nhiều trở ngại
Đồng CNY dần rơi xuống mức thấp kỉ lục tính theo tháng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang vào cuối tuần trước và gây tổn hại đến niềm tin nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh 3,9% trong tháng này, đánh dấu mức lỗ lớn nhất kể từ tháng 1/1994 - thời điểm tỷ giá hối đoái hiện đại được thông qua.
Tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng CNY đã lần đầu tiên rơi xuống dưới ngưỡng 7 đổi một USD sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Các dấu hiệu mới cho thấy kinh tế Trung Quốc chững lại và kì vọng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa cũng là nguyên nhân khiến đồng CNY tụt dốc thê thảm như vậy.
Nếu không có bất kì tín hiệu rõ ràng nào về tiến trình đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, "triển vọng kinh tế Trung Quốc và thị trường đều sẽ xấu đi", ông Dariusz Kowalczyk, chiến lược gia chuyên về thị trường mới nổi tại Credit Agricole, cho hay.
Cũng theo ông Kowalczyk, đồng CNY có thể tiếp tục rơi xuống dưới ngưỡng 7,3 đổi một USD trong thời gian tới.
Có một số dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang không hài lòng trước tình trạng sụt giá của đồng CNY. PBoC đã thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức cao hơn bình thường trong suốt 5 phiên giao dịch liên tiếp vào hôm nay.
Rủi ro kinh tế suy yếu đã khiến dòng vốn chảy ra ngoài và đẩy đồng CNY tụt dốc không phanh. Đây là một kịch bản có thể dẫn đến bất ổn tài chính.
Đồng CNY đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2008 vào tuần này, sau khi Tổng thống Donald Trump và chính phủ Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan lên hàng hóa của nhau vào ngày 23/8.
PBoC có thể sớm can thiệp vào đồng CNY trước khi quá muộn
“PBoC có thể cho phép đồng nội tệ trượt xuống dưới mốc 7,5 đổi một USD vào cuối năm nay, khi mà ngân hàng trung ương Trung Quốc sử dụng phương pháp làm suy yếu đồng CNY để chống lại thuế quan”.
Đó là nhận định của nhóm chiến lược gia thuộc Bank of America Merrill Lynch do ông Claudio Piron dẫn dắt.
Đồng CNY đã giảm 0,14% xuống mức 7,1621 đổi một USD vào lúc 11h55 sáng theo giờ Thượng Hải.
Sức mạnh tương đối của đồng CNY so với đồng USD trong 14 ngày đã rơi xuống dưới mức 30, cho thấy đà bán tháo mạnh mẽ trên thị trường.
Đồng nội tệ của Trung Quốc không chỉ suy yếu trước đồng bạc xanh mà nó còn ở mức thấp kỉ lục so với rổ tiền tệ khác.
Chỉ số CFETS RMB Index (Bloomberg) dùng để theo dõi sức mạnh của đồng CNY so với 24 đồng tiền tệ khác đã giảm xuống dưới mức 91,1 - đây là giá trị thấp nhất kể từ khi thước đo này được giới thiệu vào năm 2015.
Điểm kì hạn của đồng CNY ở thị trường nước ngoài, một thước đo thanh khoản của đồng tiền này, đã nhảy lên mức cao nhất kể từ tháng 10 vào tuần trước.
Đường cong kì hạn có thể tiếp tục tăng lên, do sự xuống giá của đồng CNY kích thích doanh nghiệp Trung Quốc dự trữ ngoại hối và Bắc Kinh thắt chặt thanh khoản để kiểm soát tình trạng bán khống, nhóm phân tích của Citigroup nhận định.
Tuy nhiên, PBoC có thể kiềm chế sự mất giá của đồng CNY nếu họ muốn.
Vào hôm nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thiết lập tỷ giá tham chiếu cao hơn 204 điểm so với mức mà các nhà phân tích và nhà đầu tư dự đoán trong cuộc khảo sát của Bloomberg.
Để đánh bật tình trạng bi quan trên thị trường, Bắc Kinh có thể đưa ra cảnh báo, bán hối phiếu ở Hong Kong để tăng chi phí bán khống và can thiệp trực tiếp bằng cách bán phá giá đồng bạc xanh.