|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 21/2: Đồng USD đánh mất vị thế 'vịnh tránh bão'?

18:33 | 21/02/2020
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD đã có những biến động trái chiều khi giảm dần từ các mức cao gần đây so với đồng yen Nhật, euro và bảng Anh nhưng lại tăng điểm so với đồng tiền của một số thị trường mới nổi.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (21/2), vào lúc 17h55 giờ Việt Nam có 7/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 3 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 21/2: Đồng USD đánh mất vị thế 'vịnh tránh bão'? - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp GBP/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,26% và cặp AUD/USD giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,35%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 21/2: Đồng USD đánh mất vị thế 'vịnh tránh bão'? - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 21/2: Đồng USD đánh mất vị thế 'vịnh tránh bão'? - Ảnh 3.

Giảm điểm so với ba đồng tiền mạnh, đồng USD có thực sự đánh mất lợi thế?

Trong phiên giao dịch sớm tại châu Âu hôm nay, đồng USD đã có những biến động trái chiều.

Trong khi đồng bạc xanh giảm dần từ các mức cao gần đây so với đồng yen Nhật (JPY), euro (EUR) và bảng Anh (GBP), nó lại tăng điểm so với đồng tiền của một số thị trường mới nổi.

Vào lúc 15h30 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính đã giảm 0,2% xuống còn 99,56 điểm. Hôm 20/2, chỉ số này đã chạm mức cao nhất trong gần ba tháng qua.

Tuy nhiên, theo tổng hợp trên Investing.com, mức giảm của đồng USD so với ba đồng tiền mạnh (JPY, EUR và GBP) không thực sự đáng kể, đặc biệt là sau khi đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng gần 4% trong vài tuần trở lại đây do dịch virus corona (covid-19) khiến nhà đầu tư tìm đến các "vịnh tránh bão" như đồng bạc xanh.

Vào lúc 15h30 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá USD/JPY giảm 0,4% xuống còn 111,69 JPY đổi một USD. Hôm qua, cặp tiền này đã lần đầu tiên phá ngưỡng 112 JPY đổi một USD kể từ tháng 4 năm ngoái.

Trong khi đó, cặp EUR/USD đã phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy ba năm (ghi nhận hồi đầu tuần này) lên ngưỡng 1,082 USD đổi một EUR sau khi chỉ số PMI sơ bộ tháng 2 của Pháp và Đức tăng cao hơn dự đoán.

Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng của UBS Wealth Management (có trụ sở tại London), cảnh báo rằng chỉ số PMI thường có xu hướng phóng đại mức độ tăng trưởng thực tế. Bình luận của vị chuyên gia đã khiến nhà đầu tư có phần hoang mang về tương lai của đồng EUR.

"Tuy nhiên, có một tin tốt là nhiều khả năng chỉ số PMI sẽ phản ánh chu kì kinh doanh trong tương lai chứ không phải phản ánh thực tế hiện tại", ông Donovan trấn an.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến nợ công của Anh. Đây sẽ là số liệu cuối cùng được công bố trước khi chính phủ Anh công bố ngân sách hàng năm vào tháng 3.

Sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid, cùng một loạt dữ liệu kinh tế được công bố sau đó, đã củng cố dự đoán rằng nước Anh sẽ bị thâm hụt tài khóa lớn. Nếu quả thực như vậy, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ khó mà hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Vào lúc 15h30 giờ Việt Nam, đồng bảng Anh (GBP) đã tăng 0,2% so với đồng USD, ghi nhận ở mức 1,2908 USD đổi một GBP.

Trong đêm qua, đồng USD tiếp tục tăng giá so với một số đồng tiền châu Á. Đây là dấu hiệu cho thấy thế giới ngày càng tin rằng nền kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan sẽ cùng chững lại trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tổ chức và cơ quan đưa ra dự báo tiêu cực về tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn tại châu Á, một phần là do chịu ảnh hưởng bởi dịch virus corona.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 18h (giờ Việt Nam) ngày 21/2, ngoài Trung Quốc đã có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 76.792 và số ca tử vong là 2.249.

Khả Nhân