Thị trường ngoại hối hôm nay (10/6): Nhà đầu tư ‘ngóng’ thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất từ Fed thay vì kì vọng về một khả năng như trước?
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (10/6), vào lúc 16h56 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Tỉ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp USD/JPYtăng cao nhất với mức tăng 0,35% và cặp NZD/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,66%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)
Dấu hiệu căng thẳng thương mại toàn cầu giảm bớt, đồng USD đột ngột tăng so với đồng JPY
Theo Reuters, đồng USD đã tăng cao hơn so với rổ tiền tệ vào hôm nay khi các dấu hiệu mới cho thấy căng thẳng thương mại toàn cầu đang giảm bớt. Tuy nhiên, mức tăng của các cặp tỷ giá không cao do nhà đầu tư trông đợi việc ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất.
Vào lúc 16h59 (giờ Việt Nam), chỉ số USD Index đã tăng gần 0,3% lên 96,833, phục hồi nhẹ sau khi giảm 1,2% trong tuần trước, theo Bloomberg. Mức sụt giảm khi kết thúc phiên giao dịch vào hôm 7/6 được ghi nhận là hiệu suất hàng tuần tồi tệ nhất của chỉ số USD Index kể từ ngày 16/2/2018.
Việc Mexico và Mỹ đạt được thỏa thuận vào cuối tuần trước và ngăn chặn thành công cuộc chiến thuế quan mới đã thúc đẩy tâm lí thị trường. Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế quan 5% lên hàng hóa Mexico (bắt đầu vào hôm nay) nếu Mexico không cam kết nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới nước này.
Trong năm qua, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác giao thương lớn, trong đó có cuộc chiến trường kì với Trung Quốc, đã khiến tăng trưởng toàn cầu suy yếu và gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ quay lại đà tăng trưởng trong tháng 5 bất chấp thuế quan cao hơn từ phía Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ mức gia tăng này là do các công ty tải hàng trước để tránh thuế quan cao hơn từ Mỹ. Lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài vẫn tiếp tục "ám ảnh" giới đầu tư.
Các nhà lãnh đạo của khối G-20 cho biết vào hôm qua (ngày 9/5) rằng căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị đã "leo thang", gây ảnh hưởng đến quá trình cải thiện tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm nhà lãnh đạo trên đã ngừng kêu gọi giải pháp cho cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, vốn đang ngày càng sâu sắc thêm.
So với đồng JPY, đồng USD đã tăng 0,43% lên mức 108,64. Đồng JPY từng tăng vào cuối tháng 5 do triển vọng thương mại toàn cầu đi xuống, khiến nhà đầu tư tìm đến các tài sản có độ an toàn cao.
Ông Bart Wakabayashi, giám đốc chi nhánh Tokyo của State Street Bank, cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico có thể lan tỏa sự lạc quan đến mối quan hệ Mỹ - Trung.
"Mỹ đã đàm phán với Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Chúng tôi hi vọng những động thái mới này sẽ mang đến ý nghĩa tích cực cho đồng USD, nới dài đà tăng của đồng bạc xanh so với đồng JPY", ông nói.
Thị trường muốn biết thời điểm và mức giảm lãi suất từ Fed, thay vì khả năng như trước đây
Tuy nhiên, mức tăng của đồng USD cũng trong thế cầm chừng, vì thị trường còn hi vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2019.
Quan điểm trên đã được củng cố vào hôm 7/6, sau khi dữ liệu mới cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 75.000 công việc mới trong tháng 5, ít hơn nhiều so với mức dự báo 185.000 công việc mới mà giới phân tích đưa ra trước đó. Điều này chỉ ra đà suy yếu trong hoạt động kinh tế đang lan sang thị trường lao động.
"Thị trường không đặt câu hỏi về khả năng nữa, mà họ đang muốn biết về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất cụ thể trong năm nay"
Đồng AUD đã giảm 0,4% xuống 0,6965 và không thể duy trì đà tăng của tuần trước. Trong khi đó, đồng EUR "lặn" gần 0,3% xuống 1,1298 và trượt khỏi mức cao nhất trong 11 tháng là 1,1348 ghi nhận vào hôm 7/6.