Thị trường lao động 'ấm' lại
Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn khá cao, song với chính sách thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả gắn với phục hồi kinh tế của các địa phương, mức độ tiêm phủ vắc xin cao, tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng nặng không còn nhiều như giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch lần thứ tư nên nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp phục hồi sản xuất.
Các doanh nghiệp đang tăng tốc tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng cuối năm, tạo thêm nhiều cơ hội mới cho người lao động yên tâm ổn định cuộc sống.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã khởi động phục hồi sản xuất.
Thị trường lao động trên địa bàn đang dần "ấm" lại sau hơn 3 tháng "ngủ đông" do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hiện đang thiếu lao động phổ thông để giải quyết các đơn hàng cuối năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành gỗ, da giày, điện tử quy mô lớn có nhu cầu từ vài trăm đến vài nghìn lao động phổ thông. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần từ 10 - 100 lao động.
Thống kê từ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, càng về gần thời điểm cuối năm, doanh nghiệp càng khẩn trương hơn trong việc tìm kiếm nguồn lao động. Từ đầu tháng 10 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận yêu cầu của gần 450 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, đăng ký tuyển với tổng số gần 20.300 lao động mới.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, sau khi tỉnh công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc nối lại sản xuất để đảm bảo các đơn hàng, phục hồi chuỗi sản xuất sau thời gian bị đình trệ bởi dịch COVID-19.
Đến cuối tháng 11, gần 1.700 dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã đi vào hoạt động, đạt tỉ lệ 99%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp cũng đạt khoảng 88%.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyền thêm lao động để đáp ứng nhịp độ sản xuất đang trên đà phục hồi.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, ngay tại sàn giao dịch việc làm trực tuyến được đơn vị tổ chức vào cuối tháng 11, đã có 35 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với tổng cộng trên 12.000 lao động; trong đó, các doanh nghiệp ngành may mặc, da giày, sản phẩm gỗ, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động.
Đáng chú ý, nhu cầu tuyển dụng của đa số doanh nghiệp trong dịp cuối năm là lao động phổ thông, chiếm tới 99% nhu cầu tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Cụ thể, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (Khu Công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chuyên sản xuất giày da có nhu cầu tuyển mới 1.000 lao động; Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa) chuyên sản xuất giày xuất khẩu có nhu cầu tuyển 2.000 lao động mới.
Chính sách hấp dẫn để thu hút lao động
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, ông Hồ Ngọc Chương, Giám đốc Công ty TNHH Metro Mart - công ty chuyên về bán lẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn chính là nguồn nhân lực.
Hiện, doanh nghiệp này còn thiếu khoảng 25% nhân lực để đảm bảo vận hành bình thường các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tìm kiếm nhân lực, lãnh đạo doanh nghiệp mở rộng đối tượng tuyển đến lao động chưa có kinh nghiệm; đồng thời quan tâm nhiều hơn đến các chính sách, lương, thưởng, đảm bảo an toàn phòng dịch để "giữ chân" đội ngũ nhân sự hiện có.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, khi tiếp cận thông tin tuyển dụng, người lao động quan tâm đầu tiên là công việc phải làm, thời gian làm việc, lương cơ bản, các chế độ hỗ trợ, quyền lợi; sau đó là các yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Vì vậy, những thông tin tuyển dụng rõ ràng, chi tiết sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của ứng viên tìm việc. Ngoài ra, sự chính xác của các thông tin tuyển dụng sẽ thúc đẩy sự quyết định nộp hồ sơ dự tuyển của các ứng viên cao hơn.
Đặc biệt, khi dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát, người lao động càng mong muốn được biết chi tiết về vị trí việc làm để lựa chọn và đưa ra quyết định đúng đắn nên tham gia phỏng vấn tại công ty nào.
Trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay, việc các doanh nghiệp lựa chọn nhiều phương án tuyển dụng để thu hút lao động là điều tất yếu.
Tuy nhiên, dù sử dụng hình thức nào, dịch vụ nào thì doanh nghiệp cũng phải chú ý đến nội dung của thông báo tuyển dụng. Các thông tin phải chính xác và thực tế, tránh việc "thổi phồng" dễ tạo sự hoài nghi và sự thất vọng đối với người lao động.
Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc của người lao động thông qua chuyên trang "Việc làm tốt" (vieclamtot.com), bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang này cho biết, để thuận lợi trong tuyển dụng, mỗi doanh nghiệp cần thực hiện đa kênh tuyển dụng với hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Trong đó, cần lưu ý xây dựng hình ảnh uy tín của doanh nghiệp khi tham gia tuyển dụng theo hình thức trực tuyến.
Doanh nghiệp cần chú ý thông tin đến người lao động các nội dung như: đảm bảo môi trường làm việc an toàn phòng dịch COVID- 19; chuẩn bị nhiều kịch bản để đảm bảo ổn định sản xuất trong các tình huống; các chính sách phúc lợi và nếu có thể nên có sự hỗ trợ về các dịch vụ như: chăm sóc sức khỏe, giới thiệu nơi trông giữ trẻ nhỏ, nơi thuê nhà trọ,…
Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên truyền tải thông điệp, kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp đến người lao động, tạo sự thấu hiểu, gắn kết và gia tăng niềm tin của người lao động đối với doanh nghiệp.