|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường kim loại thắng lớn nhờ USD suy yếu

06:59 | 11/08/2016
Chia sẻ
USD suy yếu khiến các kim loại được định giá bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư ngoài nước Mỹ.
thi truong kim loai thang lon nho usd giam

Kẽm

Trên sàn giao dịch London Metal Exchange (LME), giá kẽm giao trong 3 tháng tới tăng 0,5% lên 2.286 USD/tấn, sau khi chạm mốc cao nhất kể từ giữa tháng 5/2016 ở 2.314,50 USD/tấn trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2016, giá kẽm đã tăng 43%.

Giá kẽm tăng do giới đầu tư lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở các mỏ khai thác. "Dường như thị trường đang đổ rất nhiều tiền vào kẽm", một thương nhân cho biết. Theo số liệu mới nhất của LME, tồn kho kẽm đã tăng 29.900 tấn lên 437.725 tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2015.

Palladium

Giá palladium giao ngay tăng vọt 4,1% lên 722,50 USD/ounce vào lúc 18h57 tại New York. Trong phiên giao dịch ở châu Á, giá kim loại này có lúc lên cao nhất 14 tháng ở 746,10 USD/ounce và ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất trong hơn 5 tháng qua.

Theo giới thương nhân, giá palladium tăng mạnh chủ yếu do sự kết hợp của hai yếu tố, là bán tháo và lượng đặt cược mới vào đà tăng của palladium. Trước đó, thị trường có thể đã kích hoạt làn sóng bán tháo ngay sau khi giá palladium xuống dưới ngưỡng 700 USD/ounce. Tuy nhiên, khi USD gần đây dần suy yếu, giới đầu tư lại đổ xô mua kim loại này, khiến giá cả vọt lên đỉnh 14 tháng ở 723 USD vào tuần trước.

Ngày 9/8, Hiệp hội xe vận tải Trung Quốc cho biết, doanh số bán xe ôtô của nước này tăng mạnh trong tháng 7/2016 nhưng giá palladium chỉ tăng rất nhẹ sau thông tin này.

Vàng

Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco tính đến 19h30 tại New York tăng 1,1% lên 1.346,90 USD/ounce từ mức 1.340,60 USD/ouce của phiên 9/8. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,4% lên 1.351,90 USD/ounce.

Vàng thường tăng giá khi thị trường lo ngại về những rủi ro kinh tế và tài chính. Kim loại này tăng giá khi USD chịu áp lực từ báo cáo không mấy khả quan về năng suất lao động trong quý III/2016 của Mỹ. Theo đó, năng suất lao động tại Mỹ đã giảm liên tiếp trong 3 quý của năm 2016. Kết quả này phù hợp với những lo ngại trước đó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào thời kỳ tăng trưởng chậm chạp.

Phiên 10/8, quỹ tín thác vàng SPDR giữ nguyên dự trữ vàng ở mức 972,62 tấn sau hai ngày liên tiếp bán vàng.

Đồng

Giá đồng chốt phiên 10/8 tăng 0,9% lên 4.822 USD/tấn sau khi đã chạm mức cao nhất tuần ở 4.888,50 USD/tấn.

Niềm tin vào đà tăng giá của đồng đã làm dịu tác động từ những đồn đoán xung quanh khả năng tăng kích thích tại Trung Quốc và tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo đó, sản lượng đồng của Zambia đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu của phòng khai thác khoáng sản nước này.

Nickel

Giá nickel - kim loại được sử dụng chủ yếu để làm thép không gỉ - tăng 0,7% lên 10.850 USD/tấn, sau khi đã lên mức cao nhất 1 năm ở 11.030 USD/tấn.

Giá nickel tăng sau một báo cáo cho biết, sản lượng thép không gỉ trên toàn cầu đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I nhờ các nhà máy ở Trung Quốc tăng công suất hoạt động.

Thiếc

Giá thiếc chốt phiên 10/8 cũng tăng 0,7% lên 18.550 USD/tấn, sau khi chạm mốc cao nhất kể từ tháng 2/2015. Thiếc tăng giá trước khả năng Trung Quốc - nước sản xuất thiếc hàng đầu thế giới - có thể tăng cường nhập khẩu thiếc tinh luyện. Hiện nay, các nhà máy luyện kim ở Trung Quốc phải đóng cửa vì tác động xấu đến môi trường.

Ngoài ra, giá bạc, nhôm và chì cũng đồng loạt tăng giá. Cụ thể giá bạc tăng 1,6%, giá nhôm tăng 0,3% và giá chì tăng 0,8% trong phiên 10/8.

"Thị trường hàng hóa ngày 10/8 được hỗ trợ rất lớn nhờ làn sóng bán tháo và sự suy yếu của đồng USD", giám đốc phòng kim loại quý David Govett tại công ty Marex Spectron khẳng định.

Kim Dung