Thị trường hương liệu thực phẩm: Gì cũng có trừ nhãn mác, xuất xứ

Hương liệu được bán ở phố Hàng Buồm- Hà Nội. Ảnh: ĐH.
Hương liệu đựng bằng can, nhãn mác viết tay
Hiện nay, hương liệu ngày càng được sử dụng nhiều trong pha chế đồ uống, thức ăn và làm các loại bánh nhằm tăng hương vị của thực phẩm. Chính vì vậy, trên thị trường các loại hương liệu được bán khá đa dạng và phong phú, phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các loại hương liệu thực phẩm có dạng bột và dạng nước, tùy vào nhu cầu của mình mà người tiêu dùng có thể lựa chọn loại hương liệu phù hợp. Qua quan sát có thể thấy loại gì cũng có: Hương liệu theo hương vị tự nhiên và hương vị nhân tạo. Những loại hương liệu đang bán trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan…
Bên cạnh những cơ sở kinh doanh hương liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trên thị trường vẫn tràn lan nhiều loại hương liệu không rõ nguồn gốc, được đóng trong các can lớn bán ở các chợ dân sinh. Vào dịp cuối năm do nhu cầu làm bánh, mứt kẹo, đồ uống tăng cao nên thị trường hương liệu cũng trở nên sôi động hơn.
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hiện có nhiều loại hương liệu đang được bày bán như: Si rô, tinh dầu hoa quả đủ các mùi vị, hương thơm khác nhau, đơn cử: Hương liệu dâu tây, táo, cam, đậu nành… Các loại hương liệu này có giá khoảng 70.000-200.000 đồng/lít, tùy loại. Theo quan sát của phóng viên, các loại hương liệu được bày bán ở chợ Đồng Xuân đều được đóng trong các can từ 2-10 lít.
Theo như giới thiệu của các tiểu thương, các loại hương liệu đều có nguồn gốc từ Thái Lan, Malaysia… Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các loại hương liệu này đều không có nhãn mác hay bất cứ thông tin về nguồn gốc, thành phần chất các chất có trong sản phẩm.
Để phân biệt các loại hương liệu với nhau, các chủ kinh doanh đã dùng bút dạ để viết tên từng loại hương liệu bên ngoài các can hoặc dán giấy ghi tên các loại hương liệu. Một số loại hương liệu được đóng gói trong các bịch ni lông và có chữ nước ngoài nhưng lại không rõ đơn vị nhập khẩu, tem kiểm định chất lượng…
Tại một gian hàng ở chợ Đồng Xuân, phóng viên hỏi mua hương liệu cam, táo để pha chế đồ uống thì được chủ gian hàng giới thiệu cho những chai hương liệu nhập khẩu từ Malaysia. Thấy người mua tỏ vẻ băn khoăn khi trên các chai hương liệu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ gian hàng này khẳng định: “Ở đây đều bán hàng nhập ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng nên yên tâm mua sử dụng”.
Có thể thấy, nguồn gốc hay chất lượng của các hương liệu chỉ được thông qua sự khẳng định của bán, còn người mua cũng khó mà biết được thực hư chất lượng sản phẩm như thế nào.
Siêu lợi nhuận
Tìm hiểu về việc sử dụng các loại hương liệu để pha chế trong nhà hàng, phóng viên được chị Nguyễn Thị Hiệp, một người từng là chủ một cửa hàng kinh doanh đồ uống tại Hà Đông- Hà Nội chia sẻ: Việc sử dụng các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm trong pha chế nước giải khát thường được lựa chọn bởi vì nó tiết kiệm được chi phí, tăng doanh thu cho cửa hàng.
Thực tế, tùy thuộc vào độ uy tín của từng chủ cửa hàng và trình độ kỹ thuật của người pha chế, sẽ cho ra những cốc nước có chất lượng khác nhau. Việc lựa chọn các loại hương liệu có nguốn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo phụ thuộc vào tâm của chủ đơn vị kinh doanh đồ uống. Bởi việc sử dụng hương liệu sẽ mang lại lợi nhuận không hề nhỏ cho các chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống mà họ khó có thể bỏ qua.
Ví như, 1kg cam đang được bán với giá từ 30.000 đồng- 50.000 đồng, tùy loại, trong khi đó 1 kg bột cam có thể pha được từ 60-70 cốc nước cam. Đáng nói, mỗi cốc sinh tố cam đang được các quán cà phê, đồ uống bán với giá trung bình 30.000 đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (trường Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện trên thị trường đang bày bán rất nhiều loại hương liệu tạo mùi khác nhau, nhiều loại có chất lượng kém nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan. Nếu tiếp xúc, sử dụng các loại hương liệu này trong thời gian dài, có thể dẫn đến nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, hô hấp…
Do đó, người dân nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, tránh lạm dụng quá mức các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm trong chế biến. Tuyệt đối không chọn mua những sản phẩm có mầu sắc lạ, bắt mắt nhằm tránh những sản phẩm có hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong thực phẩm.