Thị trường heo hơi ngày 17/8: Có nên tăng đàn?
Một trang trại heo tại Đồng Nai |
Có nhiều thông tin phía cho rằng Trung Quốc đã mở cửa khiến nhiều người chăn nuôi vui mừng. Có người nói lợn vẫn xuất biên, có người nói chưa. Còn theo một số thương lái thường xuyên bán lợn qua Trung Quốc thì họ vẫn xuất biên. Nhưng việc xuất biên không đi qua các cửa khẩu, chỉ qua các lối mở ở biên giới và với số lượng nhỏ giọt.
Có nên tăng đàn?
Nhiều người chăn nuôi sau khi bán xong lứa heo hơi thì lại lo lắng không biết có nên tăng đàn hay không? Cho dù phía Trung Quốc đã mở cửa thì không có nghĩa họ sẽ vẫn cửa cho đến khi lứa lợn bắt đầu nuôi bây giờ đạt đến trọng lượng xuất bán.
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos Business Consulting (IBC) mới công bố, tổng đàn lợn thịt của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 54,46 triệu con. Tiêu thụ trong nước khoảng 35,76 triệu con, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 12,04 triệu con. Phần xuất khẩu còn lại bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia nhưng số lượng không đáng kể. Số lượng heo dư thừa khoảng 7,05 triệu con.
IBC dự báo, nếu từ giờ đến cuối năm mà việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vẫn ở mức thấp như hiện nay, thì Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,34 triệu con lợn trong năm 2017.
Nguyên nhân của sự dư thừa này không thể đổ lỗi cho phía Trung Quốc vì họ không nhập heo nữa. Mà chính do đàn heo có quy mô quá lớn và phát triển tự phát của nước ta. Nói tăng đàn có nghĩa là tăng quy mô đàn heo lên, như vậy lại càng dư thừa. Với giá heo hơi trung bình trên cả nước trong khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg như hiện tại, nếu tăng đàn thì khó tránh khỏi nguy cơ giá sẽ giảm nữa, trừ khi phía Trung Quốc mở cửa trở lại và mua nhiều như hồi đầu năm trước.
Tăng đàn hay tái đàn?
Không tăng đàn không có nghĩa là không tái đàn. Việc tái đàn ở thời điểm hiện tại là cần thiết bởi thị trường tết sắp đến. Cho dù phía Trung Quốc không mở cửa trở lại thì nhu cầu nội địa trong dịp tết cũng rất lớn.
Nhưng việc tái đàn không nên ồ ạt và cần có quy hoạch. Không tái đàn ồ ạt có nghĩa người chăn nuôi nên giảm đàn so với trước đây. Như vậy áp lực dư thừa như năm trước mới có thể giảm được. Nhưng tái đàn có quy hoạch thì người chăn nuôi khó tự mình làm được, họ cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước chuyên trách.