Thị trường hàng hóa (7/12): Campuchia tăng cường phát triển hồ tiêu, giá tôm tăng
1. Campuchia đang tạo lập chính sách phát triển ngành tiêu
Chính sách trên do các Bộ Thương mại và Nông nghiệp phác thảo nên với sự trợ giúp từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia (CPSF), Khmer Times đưa tin.
Phát biểu tại một hội thảo về chiến lược hạt tiêu trong ngày hôm qua, Mao Thora, Bộ trưởng Ngoại giao tại Bộ Thương mại, cho biết chiến lược này sẽ được bao gồm trong Chính sách Tiếp cận Toàn diện Lĩnh vực Thương mại giai doạn 2019 - 2023 (Trade SWAP2019 - 2023).
2. 3 kịch bản cho sản lượng thịt heo Trung Quốc trong 2019 dưới tác động của dịch ASF
Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc, tính đến ngày 5/12, cả nước đã phát hiện 82 trường hợp bùng phát dịch ASF tại 21 tỉnh. Theo đó, tính đến 3/12, số lượng heo bị tiêu hủy là 631.000 con, và 35 khu vực nhiễm dịch bệnh tại 8 tỉnh đã được gỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Mặc dù, lượng heo bị tiêu hủy và chết vì dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số heo sản xuất của Trung Quốc, nhưng lệnh cấm vận chuyển tại các địa phương sản xuất chính đang khiến nguồn cung bị gián đoạn. Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá heo giữa khu vực dư cung và thiếu cung.
3. Giá tôm tăng cao, người nuôi phấn khởi đầu tư
Hiện giá tôm thẻ đã tăng khoảng 30% so với thời điểm 3 tháng trước, người dân nuôi tôm tại Cà Mau đã đảm bảo có lời nên đang phấn khởi đầu tư.
Theo Sở Công thương Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg đang được thu mua với giá khoảng 95.000 đồng/kg; loại 70 con/kg có giá khoảng 110.000 đồng/kg và loại 50 con/kg có giá khoảng 125.000 đồng/kg. Mức giá hiện tại đã cao hơn khoảng 30 % so với thời điểm 3 tháng trước.
4. Hà Giang: Hiệu quả từ trồng cam VietGap
So với sản xuất truyền thống, năng suất cam VietGAP cao hơn 20 - 40 tạ/ha, giá trị cao hơn 30 - 40%. Đặc biệt, cam trồng theo hướng thâm canh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của Bắc Quang.
Theo Cục Công Thương địa phương, những năm qua, diện tích cam sành tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) trồng theo quy trình VietGAP liên tục tăng. Niên vụ 2018 - 2019, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có 5.593 ha cam, sản lượng ước đạt 39.736 tấn. Trong đó, có 2.291 ha cam trồng theo quy trình VietGAP.
5. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ hiệp định ATIGA
Tại Hội thảo Xúc tiền Thương mại sang Thị trường Châu Á: Tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do hàng hóa xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực - Vụ Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay năm ngoái kim ngạch Việt Nam và ASEAN khoảng 49,7 tỉ USD, tương đối cao so với các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam vá khối ASEAN tăng gấp đôi so với 6, 7 năm trước. Năm nay dự kiến đạt khoảng 53 - 54 tỉ USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều các hàng sắt thép, dệt may, thủy sản, cà phê sang thị trường này.
6. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Italy chưa có dấu hiệu khởi sắc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), từ đầu năm 2018 những tháng cuối năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Italy giảm liên tục chỉ dao động ở mức 2,7 - 4,1 triệu USD.
Mặc dù vậy, Italy vẫn đang là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 49% tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang EU.