Thị trường hàng hóa 23/8: Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường cà phê thế giới
Giá cà phê sụt giảm, Việt Nam và Brazil vẫn củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường thế giới
Tại bang Sao Paulo (Brazil), một cỗ máy thu hoạch khổng lồ đang băng qua vườn cà phê ông Julio Rinco, che lấp toàn bộ thân cây và lắc mạnh để hạt cà phê rơi xuống băng tải của cỗ máy.
Máy thu hoạch cà phê tự động này là một trong những sáng kiến giúp giảm chi phí sản xuất của ông Rinco xuống mức mà ít người chủ đồn điền nào đang sử dụng các phương pháp thu hoạch thâm dụng lao động truyền thống có thể sánh được.
Nhờ sử dụng ngày càng nhiều cơ giới hóa và công nghệ mới khác, hai nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam và Brazil, đang ghi nhận mức tăng trưởng năng suất vượt xa các đối thủ như Columbia, Trung Mỹ và châu Phi.
Đường Thái tràn lan, Hiệp hội mía đường xin chỉ đạo khẩn về giá thu mua niên vụ 2019-2020
Trong văn bản khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường về việc xin chỉ đạo định hướng giá thu mua mía cho niên vụ sản xuất 2019 - 2020, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết vấn đề giá thu mua mía đang hết sức khó khăn.
Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, mức giá tối thiểu mà người nông dân có thể chấp nhận để bảo đảm thu nhập, an tâm sản xuất và nhà máy có nguyên liệu để duy trì hoạt động sẽ phải nằm trong mức 800.000 – 850.000 đồng/tấn mía tại ruộng vì giá vốn bình quân là 800.000 đồng/tấn mía.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của bộ Nông Nghiệp Mỹ, giá thành sản xuất mía vụ 2018 - 2019 của nông dân Thái Lan là 1.131 Bath/tấn, tương đương 835.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên các nhà máy chế biến đường Thái Lan chỉ thu mua và chi trả cho giá thu mua mía vụ 2018/2019 là 700 Bath/tấn, tương đương 515.000 đồng/tấn.
Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục tăng trưởng hai con số
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dẫn số liệu thống kê của Hải quan cho biết Việt Nam đã xuất khẩu 429 triệu USD các sản phẩm cá ngừ trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng 20,3% so với cùng kì năm 2018.
Tuy nhiên, tính riêng trong tháng trước, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường chính đã có chiều hướng đi xuống.
Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ sang Israel và ASEAN tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, sau một thời gian tăng trưởng tốt xuất khẩu sang EU và Trung Quốc trong tháng 7 giảm. Trái lại, xuất khẩu sang Nhật Bản lại có sự phục hồi tốt.
Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ xuống thấp nhất 7 tuần
Theo Reuters, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ghi nhận ởm ức 372 - 375 USD/tấn trong tuần này, giảm từ mức 374 - 377 USD của tuần trước.
"Đồng rupee giảm cho phép chúng tôi hạ giá xuất khẩu gạo. Nhu cầu cũng đã cải thiện", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam bang Andhra Pradesh, Ấn Độ cho biết.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/8), đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 8 tháng, làm tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu.
Tính đến ngày 16/8, diện tích gạo được gieo trồng đạt 30,14 triệu ha, so với mức 33,84 triệu ha so với cùng kì năm ngoái, theo dữ liệu từ chính phủ.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6 đã giảm 28,2% so với một năm trước xuống 2,35 triệu tấn.
Quan chức Mỹ: Trung Quốc chỉ thực hiện một nửa cam kết thu mua đậu nành
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thề áp thuế quan mới lên hàng hoá Trung Quốc bắt đầu vào tháng 9 đã khiến Bắc Kinh trả đũa với tuyên bố ngừng nhập khẩu toàn bộ nông sản Mỹ.
Trước đó, các quan chức Mỹ nhắc lại rằng họ dự kiến Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu nành như một cử chỉ thiện chí trong khi hai bên đàm phán một thoả thuận thương mại.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ về Thương mại Ted McKinney nhận định Bắc Kinh còn lâu mới thực hiện điều đó.
"Tại Phòng Bầu dục, họ cam kết thu mua 20 triệu tấn, và chỉ khoảng 9 hoặc 10 (triệu tấn) đã được vận chuyển hoặc chấp nhật", ông McKinney cho biết bên lề hội nghị tại Chicago.