|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 12/4: Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc tăng đột biến, nhiều người hưởng lợi từ khủng hoảng cà phê

19:18 | 12/04/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 770%. Việt Nam, Ấn Độ cạnh tranh thị phần tôm tại Nhật Bản.

Việt Nam, Ấn Độ cạnh tranh thị phần tôm tại Nhật Bản

Ấn Độ lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu tôm sú sang Nhật Bản trước Thế vận hội Mùa hè 2020, trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam – nguồn cung cấp tôm hàng đầu của Nhật Bản trong quí I của năm 2019, Undercurrent News trích báo cáo từ Vietnamplus/TTXVN.

Chính phủ Ấn Độ dự định tăng gấp ba sản lượng nuôi trồng thủy sản nội địa, với mục đích đẩy mạnh xuất khẩu tôm sú sang Nhật Bản trước Thế vận hội Mùa hè 2020.

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 770%

Với sự tăng trưởng này, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 5 của Việt Nam sau Mỹ, EU, Israel và ASEAN.

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm 2019, trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU hay Israel giảm so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng đột biến 771%.

Người thắng, kẻ thua trong cuộc khủng hoảng giá cà phê

Cà phê là một trong những mặt hàng thể hiện tệ nhất trong vài năm qua khi thế giới dư thừa cà phê và có rất ít dấu hiệu cho thấy loại hàng hóa này sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Khi giá cà phê arabica xuống gần mức thấp nhất trong 13 năm và giá cà phê robusta giao sau cũng không khả quan, lo ngại gia tăng về sự ổn định của ngành bị đe dọa.

Nhu cầu gạo nội địa của Thái Lan khởi sắc vì lo ngại hạn hán

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ ghi nhận trong khoảng 387 - 390 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 390 - 393 USD của tuần trước.

"Nhu cầu đang rất thấp ở mức giá hiện tại. Sự tăng giá của đồng rupee đã kìm hãm việc giảm giá", một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền nam Andhra Pradesh cho biết.

Rabobank: Trung Quốc thiệt hại tới 200 triệu con heo vì dịch ASF

 Theo Rabobank, khả năng có tới 200 triệu con heo bị tiêu hủy hoặc chết vì dịch tả heo châu Phi (ASF) lây lan trên khắp Trung Quốc. Con số này hiện là mức cao nhất được dự báo và nhấn mạnh tính nghiêm trọng của dịch bệnh tại nhà sản xuất thịt heo hàng đầu thế giới.

200 triệu là một con số khổng lồ đối với đàn heo của quốc gia này. Rabobank cho biết đàn heo của Trung Quốc đạt 360 triệu con vào cuối năm ngoái. Con số thiệt hại được đưa ra khi nhiều thành phần trong ngành cho biết sự lây lan của dịch ASF tại đây nghiêm trọng hơn những gì các nhà chức trách báo cáo.

Đức Quỳnh