Thị trường gạo châu Á biến động ra sao sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ?
Châu Á sản xuất và tiêu thụ 90% nguồn cung ngũ cốc của toàn cầu và các chính phủ trong khu vực lo ngại về lạm phát và nguồn cung khi tình hình thời tiết cực đoan và thiếu phân bón.
Philippines đã áp trần giá gạo vào đầu tháng Chín và ngay sau đó cho biết có thể xem xét áp thuế nhập khẩu gạo khi giá tăng ảnh hưởng đến các gia đình nghèo.
Hiện tượng El Nino tiếp diễn đang khiến triển vọng thị trường mùa Đông năm nay ảm đạm.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chủ yếu xuất gạo sang các nước như Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng, giá cao kỷ lục nhiều năm, Ấn Độ chọn việc ưu tiên cho tiêu thụ và hạ giá gạo trong nước.
Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối công cộng đã cấm xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati, do giá trong nước trên đà tăng. Lệnh cấm của Ấn Độ đã làm gián đoạn thị trường gạo khu vực.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo trong nước tăng 20% trong tuần sau thông báo của Ấn Độ, chạm mức 21.000 baht (597 USD)/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục 11 năm. Trong tháng Tám giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có lúc tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.
Theo một báo cáo của các nhà phân tích tại Nomura, tại châu Á, Philippines có thể là nước dễ bị tổn thương nhất khi giá lương thực tăng, do nhập khẩu thực phẩm ròng chiếm trên 2% GDP của nước này.
Trong khi đó, báo cáo đầu năm nay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính nhu cầu gạo toàn cầu tăng 30% vào năm 2050.
Theo Nomura, nhu cầu sẽ tăng mạnh khi tăng trưởng sản lượng lúa gạo ở nhiều nước châu Á giảm do các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. Thêm vào đó, đầu tư công cho sản xuất lúa gạo, nghiên cứu và phát triển hạn chế cũng là nguyên nhân khác. Các nhà phân tích của Nomura cho rằng sự thiếu hụt nguồn cung có thể khiến giá cao trong trung và dài hạn.
Dự báo gần đây nhất của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội thuộc Đại học Columbia University cho thấy El Nino sẽ dai dẳng ở Bắc Bán cầu trong mùa Đông năm nay.
Thái Lan dự báo El Nino sẽ làm gián đoạn mùa mưa và làm giảm sản lượng dành cho xuất khẩu vào tháng 11.
Các điều kiện thời tiết do biến đổi khí hậu cũng gây mất ổn định nguồn cung gạo. Trung Quốc, nước xuất khẩu gạo lớn khác, đã chứng kiến mưa lớn trong tháng Bảy ở một số khu vực như Bắc Kinh và lũ lụt gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng.
Nhà phân tích Mamun Abdullah thuộc bộ phận thị trường, giao dịch và các viện của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) dự báo thời tiết bất thường sẽ làm gia tăng biến động giá cả cho đến vụ mới.
Ông Abdullah cho rằng cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và sau đó là áp thuế 20%, cho thấy những lo ngại về lạm phát và giá cao là có cơ sở.
Nghiên cứu của IFPRI cho thấy khi các nước xuất khẩu lớn nỗ lực bảo vệ giá các hàng hóa chủ chốt trong nước bằng cách hạn chế xuất khẩu, các nước này đã góp phần làm gia tăng biến động giá toàn cầu.