|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường điều chỉnh mạnh, khối ngoại ưa thích chứng chỉ quỹ?

08:59 | 24/03/2019
Chia sẻ
Tuần qua, chỉ số VN-Index giảm điểm và ghi nhận sự điều chỉnh mạnh. Tuy nhien, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua ròng, đặc biệt là chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và nhiều khả năng điều này còn tiếp diễn vào thời gian tới.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong tuần qua khi cả hai chỉ số đều giảm điểm. Kết phiên 18/3, chỉ số VN-Index giảm 15,41 điểm (1,53%), từ mức 1.004,12 điểm cuối tuần trước về mức 988,71 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 4/5 phiên trong tuần để đóng cửa ở mức 108,09 điểm, giảm 2,35 điểm (2,13%) so với cuối tuần trước. 

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến kém tích cực. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VHM, BID và VRE khi lấy đi lần lượt 2,25, 2,16 và 1,78 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là VCB, MBB và PHR khi đóng góp lần lượt 1,02, 0,26 và 0,17 điểm tăng. 

Giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua đạt hơn 5.600 tỉ đồng/phiên, tăng so với mức gần 5.000 tỉ đồng/phiên của tuần trước nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến của VRE. 

Cụ thể, ngày 20/3, VRE được thỏa thuận 66,56 triệu cổ phiếu với mức giá sàn khoảng 35.100 đồng/cp và 36.250 đồng/cp, tương ứng hơn 2.336 tỉ đồng. Ngoài VRE, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan cũng được trao tay hơn 23,5 triệu cp trong 4 phiên gần đây, tổng giá trị thỏa thuận lên tới 2.055,7 tỉ đồng.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần mua ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 585 tỉ đồng, tương ứng với khối lượng 17,22 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, nhà đầu tư gom mạnh chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với 13,5 triệu ccq, tiếp theo là CTG với 10,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, POW là mã bị bán ròng nhiều nhất với 5,6 triệu cổ phiếu.

Về nhóm ngành tuần qua, họ cổ phiếu dầu khí mất 3,9% do các cổ phiếu lớn  như GAS, PLX, PVD, PVS và POW giảm sâu. Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm hơn 1% do diễn biến tiêu cực của bộ ba nhà Vingroup (VHM-VIC-VRE) và các cổ phiếu KBC, PDR, NVL… 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 0,99% do ảnh hưởng của việc VPB, STB và TCB giảm lần lượt 3,67%, 3,09% và 2,79%. Nhóm cổ phiếu dược phẩm tăng 2,25% nhờ các "ông lớn" DHG, TRA, DMC. 

Thị trường điều chỉnh mạnh, khối ngoại ưa thích chứng chỉ quỹ? - Ảnh 1.

Cổ phiếu DTA (Công ty Cổ phần Đệ Tam) ghi nhận mức tăng giá ấn tượng nhất tuần (30,6%), từ 5.200 đồng lên 6.790 đồng nhờ 4 phiên tăng trần liên tiếp. Cùng diễn biến, VHG (CTCP Cao su Quảng Nam) với mức tăng 24% từ 450 đồng lên 560 đồng. 

Ở chiều ngược lại, SII (CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất (20%) do hai phiên chạm sàn. Đồng thời, QCG (CTCP Quốc Cường Gia Lai) cũng giảm mạnh 5 phiên trong tuần.

Đáng chú ý, YEG của Tập đoàn Yeah1 đã hồi phục trở lại với 2 phiên tăng trần. Trước đó, cổ phiếu giảm sàn liên tục trong 13 phiên, từ 245.000 đồng về 95.700 đồng/cp. YEG kết thúc tuần với mức giá 109.400 đồng/cp.

Thị trường điều chỉnh mạnh, khối ngoại ưa thích chứng chỉ quỹ? - Ảnh 2.

HNX-Index giảm điểm khá mạnh trong tuần giao dịch qua. Diễn biến giao dịch trong tuần là trung tính với ba phiên giảm điểm và hai phiên tăng điểm vào đầu và cuối tuần. Mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 111,6 điểm và 107,47 điểm. 

Đáng chú ý, VCR (CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất (56%) từ 8.900 đồng lên 13.900 đồng, tiếp theo là L35 (CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama) với mức tăng 40% từ 7.200 đồng lên 10.100 đồng. Ở chiều ngược lại, KSK (CTCP Khoáng sản Luyện kim màu) giảm mạnh nhất (25%) từ 400 đồng xuống 300 đồng.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 386,14 tỉ đồng với khối lượng hơn 20 triệu cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là CDN (CTCP Cảng Đà Nẵng) với 19,8 triệu cổ phiếu, tiếp theo là PVS với 791.000 cp. Ở chiều ngược lại, VGC là mã bị bán ròng nhiều nhất với 831.000 cp.

Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2018, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - Mã: MVN) là cổ đông lớn nhất tại Cảng Đà Nẵng khi nắm giữ hơn 74 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 75% vốn điều lệ. Như vậy, với lượng bán ròng mạnh như trên, có khả năng Vinalines đã tiến hành thoái bớt vốn tại đây. Năm 2018, Cảng Đà Nẵng ghi nhận doanh thu thuần gần 695 tỷ đồng, lãi ròng hơn 148 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ tiếp tục hồi phục tăng điểm trong những phiên đầu tuần tới. Dù vậy, đà hồi phục của VN-Index sẽ phải đối mặt với lực cản đáng kể đến từ vùng 995-1.000 điểm. Hoạt động mua ròng của khối ngoại, đặc biệt là ở chứng chỉ quỹ E1VFVN30 nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng sẽ bắt đầu được hé lộ và có thể hỗ trợ cho diễn biến thị trường.

Vì đâu chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones mất 460 điểm phiên cuối tuần?Vì đâu chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Dow Jones mất 460 điểm phiên cuối tuần? Thị trường chứng khoán 22/3: Cổ phiếu Thị trường chứng khoán 22/3: Cổ phiếu 'nhà Vingroup' thăng hoa, VN-Index tăng gần 7 điểm Giao dịch khối ngoại 22/3: Mua ròng đột biến hơn 660 tỉ đồng, tập trung vào CDNGiao dịch khối ngoại 22/3: Mua ròng đột biến hơn 660 tỉ đồng, tập trung vào CDN

Nhật Huyền