Thị trường địa ốc trầm lắng, doanh nghiệp BĐS 'xoay tăng trưởng' bằng lĩnh vực mới
Bước sang năm 2019, do ảnh hưởng của chính sách vĩ mô (siết tín dụng, chủ trương hạn chế cấp phép cho dự án cao ốc mới ở khu vực trung tâm TP HCM, siết hoạt động phân lô bán nền...) nên thị trường địa ốc ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có phần trầm lắng.
Trong bối cảnh mới, đã xuất hiện trào lưu doanh nghiệp địa ốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư về địa bàn các tỉnh thành vùng ven hoặc những nơi có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực mới nhằm giảm bớt rủi ro đầu tư tại lĩnh vực truyền thống là bất động sản (BĐS), dự phòng khi thị trường xảy ra biến cố.
Bước sang năm 2019, thị trường địa ốc tại Hà Nội và TP HCM có phần trầm lắng. (Ảnh: Hiếu Quân)
Trong các Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 mới đây, một số doanh nghiệp BĐS hoạt động ở cả hai miền Nam - Bắc đã công khai và thông qua các kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang những lĩnh vực mới. Với thế mạnh vốn có của mình, các công ty địa ốc liệu có thể thành công 'lấn sân' vào các ngành nghề hoàn toàn xa lạ này?
Tận dụng quỹ đất để nuôi trồng, làm năng lượng
Mới đây, ĐHĐCĐ của CTCP Vạn Phát Hưng (mã: VPH) vừa thông qua tờ trình để công ty mở rộng đầu tư sang lĩnh vực lâm – nông nghiệp kỹ thuật cao. Mặc dù Đại hội đã thông qua, nhưng trước đó cổ đông vẫn nêu ý kiến: công ty vốn hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh BĐS, việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực mới này không đi theo định hướng của công ty.
ĐHĐCĐ năm 2019 CTCP Vạn Phát Hưng. (Ảnh: Hiếu Quân)
Trả lời kiến nghị này, Chủ tịch HĐQT Trương Thành Nhân cũng đồng tình rằng đầu tư địa ốc là ngành nghề truyền thống của Vạn Phát Hưng và doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong mảng kinh doanh này. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư nông nghiệp kỹ thuật cao lại đang có tiềm năng rất lớn do nhu cầu khổng lồ của thị trường về sản phẩm sạch. Vì vậy, doanh nghiệp có thể tiếp cận, nghiên cứu từ từ và có sự chuẩn bị từng bước khi tham gia lĩnh vực mới.
Theo thông tin từ Tổng Giám đốc Võ Anh Tuấn, động thái đầu tiên trong kế hoạch đó là việc công ty đang làm một số thủ tục đấu giá một khu đất ở tỉnh nhằm phát triển hoạt động nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp du lịch sinh thái. Lãnh đạo công ty nhận định, mô hình phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp làm du lịch sinh thái đang rất có tiềm năng nhờ các tỉnh vùng ven TP HCM có quỹ đất rộng lớn, giá đất đền bù rẻ, lại có giao thông kết nối ngày càng phát triển..., nhưng mô hình kinh tế này chưa được làm phổ biến.
Không dừng lại ở mở rộng đầu tư, ban lãnh đạo công ty còn nhắm tới mục tiêu đầu tư ra nước ngoài, phấn đấu đến năm 2021 công ty sẽ có đầu tư ra nước ngoài.
Kết quả kinh doanh năm 2018 cho biết, doanh thu thuần của công ty đạt 706,2 tỉ đồng, giảm 49% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 146,5 tỉ đồng, giảm 23% so với năm trước. Mục tiêu tài chính năm 2019 được đặt ra với mức doanh thu thuần là 543,8 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế là 156,5 tỉ đồng, doanh thu thuần tuy giảm 23% nhưng LNST lại tăng 7% so với kết quả thực hiện của năm 2018.
Cũng trong dịp Đại hội vừa qua, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã: PHC) cũng công bố thông tin về việc sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực hoàn toàn mới trong năm 2019 – đó là thủy điện và năng lượng tái tạo.
Để thực hiện kế hoạch này, công ty đã nhận chuyển nhượng lại 80% vốn điều lệ của CTCP Phú Lâm để triển khai thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Đắk So 2, xây dựng trên suối ĐắkSor (tỉnh Đăk Nông) với công suất 7,5 MW, tổng mức đầu tư hơn 257 tỉ đồng. Nhà máy đã khởi công ngày 16/1, dự kiến hoàn thành và phát điện trong quý IV/2020.
ĐHĐCĐ năm 2019 CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings. (Ảnh: Phan Quân)
Phục Hưng Holdings vốn là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS và xây dựng dân dụng và công nghiệp. Ở mảng BĐS, doanh nghiệp xác định thị trường luôn có rủi ro do biến động cung cầu, gần đây phân khúc căn hộ chung cư (sản phẩm chính của công ty) lại chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Phục Hưng Holdings đánh giá, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sẽ đem lại nguồn thu ổn định, dài hạn cho công ty, dự phòng khi thị trường có biến cố.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019 – năm đầu tiên hoạt động thêm ở mảng năng lượng, Phục Hưng Holdings dự kiến doanh thu đạt 3.000 tỉ đồng, tăng 9,4% so với thực hiện năm 2018 và lợi nhuận sau thuế 70 tỉ đồng, tăng 38,8%.
Ông 'vua' nhà ở xã hội đi làm nông nghiệp
Một doanh nghiệp vốn có thương hiệu lâu năm với các dự án nhà ở xã hội là CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Hoàng Quân Group - mã: HQC) cũng khẳng định năm 2019 sẽ chính thức khởi động mảng BĐS nông nghiệp khi thành lập Công ty TNHH MTV Nông Nghiệp Hoàng Quân do công ty sở hữu 100%.
Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mới về việc đầu tư trong lĩnh vực BĐS nông nghiệp nhờ lợi thế từ 2 khu công nghiệp hiện hữu cùng hệ thống công ty liên kết, siêu thị, đối tác tại các khu vực công ty đang xây dựng phương án đầu tư vào ở lĩnh vực mới này.
ĐHĐCĐ 2019 CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân. (Ảnh: Hiếu Quân)
Trước bước đi mới này, không ít cổ đông tỏ ra băn khoăn, đặt nghi vấn về tiềm năng thành công trong lĩnh vực mới khi mà công ty đã liên tiếp nhiều năm bị 'hụt' kế hoạch kinh doanh.
Ngay năm 2018 vừa qua, Hoàng Quân ghi nhận doanh thu thuần đạt 467 tỉ đồng, tăng 27% so với năm trước nhưng lãi sau thuế chỉ 42 tỉ đồng, giảm 36% và chỉ bằng 24% kế hoạch năm. Vậy mà năm 2019, Hoàng Quân vẫn đặt kế hoạch doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.513 tỉ đồng, doanh thu tài chính 14 tỉ đồng, LNST 145 tỉ đồng, tức là chỉ tiêu kế hoạch năm nay của công ty gấp hơn 3 lần thực hiện năm 2018.
Cũng theo kế hoạch, năm 2019, Hoàng Quân cũng sẽ điều chỉnh tỷ trọng giữa các phân khúc trong mảng kinh doanh chính là BĐS, giảm tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội và nâng tỷ trọng BĐS thương mại, đặc biệt là dòng sản phẩm nhà ở trung cấp.
Lý giải về kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn đánh giá, một phần nguyên nhân là do thị trường BĐS hai năm qua, đặc biệt là năm 2018, rất khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty...
Xoay chuyển tìm hướng mới để thúc đẩy tăng trưởng là điều bắt buộc, tuy nhiên không phải ai cũng có được thành công nhất là đầu tư vào nông nghiệp. Rõ ràng ai cũng nhìn nhận được việc đầu tư vào nông nghiệp là cơ hội lớn. Tuy nhiên từ tham vọng đến thực tế là một chặng đường gian nan. Không ít doanh nghiệp đã tháo chạy như Gemadept, Đức Long Gia Lai... trước đây. Thậm chí một "đại gia" như Hoàng Anh Gia Lai cũng đã trầy trật nhiều năm khi chuyển từ BĐS sang làm nông nghiệp là bài học để các doanh nghiệp cần lưu tâm.