Thị trường chứng quyền tuần (9 - 13/12): Chứng quyền FPT khởi sắc, họ Vingroup và Masan giảm sâu
Thị trường chính thức xuất hiện thêm chứng quyền dựa trên cổ phiếu SBT
Trong tuần giao dịch vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đã đưa thêm 5 mã chứng quyền vào giao dịch chính thức. Đây là các chứng quyền dựa trên 5 mã chứng khoán cơ sở gồm HPG của Hòa Phát, MSN của Masan, SBT của Thành Thành Công Biên Hòa, VIC của Vingroup và VRE của Vincom Retail.
Tổng khối lượng chứng quyền được KIS đưa vào giao dịch là 17 triệu cw, trong đó chứng quyền SBT có kì hạn 3 tháng, còn lại đều có kì hạn 6 tháng.
Đáng chú ý, giá hòa vốn của các chứng quyền này ở mức khá cao so giá hiện tại của các cổ phiếu cơ sở trên thị trường, đồng nghĩa với việc các mã này đã lỗ vị thế ngày từ khi lên sàn.
Cụ thể, chứng quyền CMSN1902 lỗ vị thế tới gần 38% khi KIS đưa ra giá thực hiện 77.889 đồng/cp còn thị giá cổ phiếu MSN chỉ còn 58.000 đồng/cp. Điều này cũng một phần đến từ diễn biến tiêu cực cổ phiếu của Masan sau thương vụ sáp nhập đình đám trong lĩnh vực bán lẻ với công ty thành viên của Vingroup.
Cùng với đó, 4 mã chứng quyền còn lại cũng đang tạm lỗ vị thế trên 10% sau tuần đầu tiên lên sàn.
Trong tuần vừa qua có 4 mã chứng quyền đã dừng giao dịch do đến ngày đáo hạn. Thay vào đó, chứng khoán KIS đưa thêm 5 chứng quyền mới lên sàn. Nguồn: ST tổng hợp.
Cũng trong tuần vừa qua, có 4 mã chứng quyền đã dừng giao dịch do đến ngày đáo hạn gồm CVNM1901 và CHPG1902 của Chứng khoán KIS, CMWG1906 của Chứng khoán MBS và CMWG1902 của Chứng khoán VNDirect.
Sau thời gian giao dịch trên sàn, cả 4 mã này cũng đều lỗ vị thế, trong đó cao nhất là mã CVNM1901 lỗ hơn 31%, ngược lại mức lỗ thấp nhất thuộc về CMWG1902 với 8,3%.
Chứng quyền FPT khởi sắc, họ Vingroup giảm sâu
Về diễn biến trong tuần qua, thị trường chứng quyền giao dịch phân hóa với sự tích cực được ghi nhận tại nhóm FPT, ngược lại chứng quyền "họ Vingroup" đồng loạt giảm sâu. Toàn thị trường ghi nhận 16 mã tăng giá so với 23 mã giảm giá, mức giảm trung bình là 4,56%.
Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu FPT hồi phục tích cực trong tuần qua giúp các chứng quyền dựa trên cổ phiếu này cũng giao dịch khởi sắc. Cụ thể, chứng quyền CFPT1907 của VNDirect dẫn đầu chiều tăng giá với tỉ lệ 34,38%; theu sau là chứng quyền CFPT1905 của SSI tăng 20,16. Hai chứng quyền FPT còn lại gồm CFPT1906 và CFPT1903 cũng tăng hơn 17%.
Cùng với đó, các chứng quyền khác trong top10 tăng giá được phân tán đều tại hầu hết các nhóm, với hai mã CREE1904 và CMWG1904 tăng hơn 10%, các mã còn lại gồm CPNJ1902, CMWG1903, CHPG1908 và CGMD1901 cũng ghi nhận mức tăng trên 7%.
Top10 chứng quyền tăng/giảm giá mạnh nhất trong tuần 9 - 13/12. Nguồn: ST tổng hợp.
Ở chiều ngược lại, chứng quyền CMSN1902 chứng kiến mức giảm giá lên tới 61,33% từ 3.000 đồng/cw xuống còn 1.160 đồng/cw. Việc giảm mạnh của mã này nhiều khả năng đến từ diễn biến tiêu cực của cổ phiếu MSN sau thương vụ sáp nhập.
Các chứng quyền "họ Vingroup" cũng có chung xu hướng tiêu cực với sự giảm sâu của các cổ phiếu trên thị trường cơ sở. Cụ thể, chứng quyền CVIC1903 giảm 32,38% xuồng 1.420 đồng/cw; chứng quyền CVRE1903 giảm 14,44%; trong khi mã CVHM1901 và CVHM1902 giảm lần lượt 13,29% và 9,44%.
Diến biến tương tự cũng được ghi nhận tại các chứng quyền ngân hàng với các mã CMBB1902, CSTB1901, CTCB1901, CMBB1904 và CMBB1906 đều kết tuần tại mức giá thấp hơn so với tuần trước.
Thanh khoản diễn biến trái chiều, khối ngoại bán ra khối lượng kỉ lục
Với giao dịch phân hóa tại các nhóm chứng quyền, thanh khoản thị trường ghi nhận xu hướng trái chiều khi khối lượng giao dịch tăng so với tuần trước trong khi giá trị giao dịch lại chứng kiến sự giảm sút.
Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 26,2 triệu đơn vị, tăng 6% so với mức 24,7 triệu đơn vị trong tuần trước. Ngược lại, giá trị giao dịch giảm 8% từ 31,36 tỉ đồng xuống mức 29 tỉ đồng.
Nhờ giao dịch tích cực tại các mã vốn hóa lớn, theo đó vốn hóa toàn thị trường chứng quyền tăng thêm hơn 13 tỉ đồng trong tuần vừa qua, từ mức 261,53 tỉ đồng lên 274,55 tỉ đồng. Chứng quyền có vốn hóa lớn nhất hiện tại là CMWG1904 với 23,14 tỉ đồng, trong khi mã vốn hóa nhỏ nhất là CSTB1901 với 0,65 tỉ đồng.
Nguồn: ST tổng hợp.
Đáng chú ý, tuần vừa qua ghi nhận khối lượng bán ra kỉ lục của khối ngoại khi lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 39% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Trái lại, khối này mua vào chỉ hơn 2,6 triệu đơn vị tương đương trên 10%.
Về giá trị giao dịch, khối ngoại bán ra 1,52 tỉ đồng trong khi mua vào 0,75 tỉ đồng, tương ứng giá trị bán ròng ở mức 0,77 tỉ đồng.