|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (3 - 7/2): Nhóm ngân hàng bùng nổ, xuất hiện mã tăng trên 50%

18:45 | 09/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần 3 - 7/2 ghi nhận sự hồi phục của nhiều chứng quyền sau tuần giảm sốc giữa bối cảnh bùng phát dịch virus corona.

Chứng khoán MBS đưa vào giao dịch hai chứng quyền mới, đáo hạn hai chứng quyền của Chứng khoán KIS

Tuần giao dịch 3 - 7/2, hai mã chứng quyền CNVL1901 và CVHM1901 do Chứng khoán KIS Việt Nam phát hành đã tạm dừng giao dịch do đến ngày đáo hạn. Ghi nhận tại phiên giao dịch cuối cùng (5/2), cả hai mã này đều đóng cửa tại mức giá 10 đồng/cw, tương đương mất gần hết giá trị.

Đối với những nhà đầu tư giữ chứng quyền lại để thực hiện vị thế, cả hai mã này cũng đều ở trong trạng thái lỗ vị thế.

Cụ thể, chứng quyền CNVL1901 có tỉ lệ chuyển đổi 4:1, giá phát hành 1.900 đồng/cw và giá thực hiện 62.088 đồng trên mỗi cổ phiếu NVL. Tại thời điểm đáo hạn, giá đóng cửa trung bình cổ phiếu NVL trong 5 phiên giao dịch cuối cùng là 55.000 đồng/cp, theo đó chứng quyền lỗ vị thế 21,1%. Tương tự, chứng quyền CVHM1901 lỗ vị thế 15,5%.

Thị trường chứng quyền tuần (3 - 7/2):  - Ảnh 2.

Hầu hết chứng quyền đáo hạn và giao dịch mới trong tuần 3 - 7/2 đều ở trong trạng thái lỗ vị thế. Nguồn: Sơn Tùng, HOSE.

Cũng trong tuần giao dịch vừa qua, 4 mã chứng quyền mới do Chứng khoán MBS phát hành chính thức được đưa vào giao dịch. Các chứng quyền này được xây dựng dựa trên 3 cổ phiếu cơ sở gồm HDB của HDBank, PNJ của Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận và MWG của Thế giới Di động.

Trong tuần giao dịch đầu tiên, chỉ có duy nhất chứng quyền CHDB2002 giữ vị thế ở trạng thái có lãi. Với giá phát hành 1.950 đồng/cp, tỉ lệ chuyển đổi 2:1 và giá thực hiện 26.000 đồng mỗi cổ phiếu HDB, lãi vị thế tạm tính tại ngày 7/2 là 0,2%.

Trong khi đó, ba chứng quyền còn lại gồm CPNJ2001, CMWG2002 và CMWG2003 ghi nhận mức lỗ lần lượt 12,6%; 16,1% và 16,3%.

Như vậy, tính đến hết ngày 7/2, toàn thị trường hiện có 49 mã chứng quyền đang giao dịch, do 5 công ty chứng khoán phát hành. Trong đó, Chứng khoán HSC đứng đầu với 15 mã, Chứng khoán KIS sau khi đáo hạn hai mã CNVL1901 và CVHM1901 hiện còn 12 mã đang giao dịch.

Chứng quyền MBS tăng số lượng lên 12 mã sau khi đưa vào dịch thêm 4 mã trong tuần qua. Hai công ty còn lại là Chứng khoán SSI và VNDirect lần lượt có 8 mã và 3 mã.

Chứng quyền ngân hàng giao dịch bùng nổ trong tuần qua

Về diễn biến thị trường, tuần vừa qua ghi nhận sự hồi phục của các chứng quyền sau khi trải qua hai phiên giảm sốc đầu năm Canh Tý. Toàn thị trường ghi nhận 14 mã tăng giá, 34 mã giảm giá và một mã đứng giá tham chiếu.

Trong tuần vừa qua, cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc với nhiều mã tăng vượt vùng đỉnh trước Tết, đây cũng là động lực dẫn đến sự bùng nổ của các chứng quyền này, với nhiều mã tăng giá ở mức hai con số.

Cổ phiếu VPB là một trong những mà giao dịch tích cực nhất nhóm ngân hàng với mức tăng 12,9%. Theo đó, chứng quyền CVPB1901 của VNDirect tăng 56,46% từ 4.800 đồng/cw lên 7.510 đồng/cw, đồng thời là mã tăng giá mạnh nhất tuần qua. Chứng quyền VPB còn lại là CVPB2001 của HSC cũng tăng gấp rưỡi lên 3.680 đồng/cw.

Theo sau đó, hai chứng quyền CHDB2001 và CSTB2001 của KIS ghi nhận mức tăng lần lượt 46,29% và 40,32%. Chứng quyền CMBB1905 của HSC tăng 32,73% từ 550 đồng/cw lên 730 đồng/cw; mã ngân hàng còn lại trong top10 tăng giá là HDB2002 của MBS tăng 27,72%.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, sự hồi phục của cổ phiếu VRE cũng khiến nhóm chứng quyền này giao dịch khởi sắc. Chứng quyền CVRE1902 của HSC tăng 37,04% từ 540 đồng/cw lên 740 đồng/cw. Hai chứng quyền vừa được giao dịch năm 2020 là CVRE2002 của HSC và CVRE2001 của KIS tăng lần lượt 25,56% và 18,56%; còn lại mã CVRE1903 tăng 24,14%.

Thị trường chứng quyền tuần (3 - 7/2):  - Ảnh 3.

Top10 chứng quyền tăng giá mạnh nhất trong tuần 3 - 7/2. Nguồn: Sơn Tùng, HOSE.

Nhiều chứng quyền của MBS và KIS giảm sâu

Trong khi nhóm ngân hàng giao dịch bùng nổ, nhiều chứng quyền của KIS và MBS vẫn giảm sâu cùng diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu cơ sở nhóm chứng quyền này.

Chứng quyền CSBT1901 của KIS chứng kiến mức giảm mạnh nhất khi mất đi 80% giá trị, hiện còn 20 đồng/cw; mã này sẽ đáo hạn vào ngày 14/2 tới đây. Chứng quyền CMSN1903 của MBS cũng mất hơn một nửa giá trị khi giảm từ 470 đồng/cw xuống còn 230 đồng/cw.

Chứng quyền CROS2001 tăng giá gần 17% trong phiên giao dịch thứ Sáu khi cổ phiếu ROS đảo chiều tăng kịch trần, dù vậy vẫn chưa bù lại được mức giảm trong các phiên trước. Kết tuần, mã này ghi nhận mức giảm 44% từ 250 đồng/cw xuống 140 đồng/cw.

Ba chứng quyền mới của MBS mới giao dịch tuần đầu tiên cũng lọt top giảm giá mạnh nhất. Chứng quyền CPNJ2001 giảm 27,98% từ 2.180 đồng/cw xuống 1.570 đồng/cw; hai mã CMWG2002 và CMWG2003 giảm lần lượt 25,13% và 31,97%.

Thị trường chứng quyền tuần (3 - 7/2):  - Ảnh 4.

Top10 mã chứng quyền giảm giá mạnh nhất trong tuần 3 - 7/2. Nguồn: Sơn Tùng, HOSE.

Thanh khoản tăng vọt, khối ngoại không ngừng bán ròng

Với nhiều chứng quyền tăng mạnh, giảm sốc, thanh khoản thị trường tăng vọt trong tuần qua. Cụ thể, khối lượng giao dịch đạt 24,1 triệu đơn vị, gấp gần 2,5 lần so với tuần trước đó; giá trị giao dịch theo đó cũng tăng 51,8% lên mức 34,6 tỉ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng với khối lượng hơn 2,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị bán hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, khối này mua vào 3,2 triệu đơn vị và bán ra 5,4 triệu đơn vị; giá trị mua vào 3,44 tỉ đồng và bán ra 4,53 tỉ đồng.

Thị trường chứng quyền tuần (3 - 7/2):  - Ảnh 5.

Khối ngoại bán ròng hơn 2,2 triệu chứng quyền, tương đương hơn 1 tỉ đồng trong tuần 3 - 7/2.

Sơn Tùng