Thị trường chứng quyền tuần (6 - 10/1): Giao dịch kém sắc sau căng thẳng Mỹ - Iran, CVPB1901 ngược dòng tăng hơn 10%
Đáo hạn ba chứng quyền của VNDirect và hai chứng quyền của KIS
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng quyền ghi nhận 5 mã dừng giao dịch do sắp tới ngày đáo hạn, gồm ba chứng quyền của Chứng khoán VNDirect và hai chứng quyền của Chứng khoán KIS Việt Nam.
Đây là các chứng quyền được xây dựng dựa trên 5 cổ phiếu cơ sở gồm FPT (Tập đoàn FPT), MBB (MBBank), REE (Cơ điện lạnh), STB (Sacombank) và DPM (Đạm Phú Mỹ). Trong đó, chứng quyền của VNDirect có tỉ lệ chuyển đổi 2:1, thời hạn 3 tháng còn chứng quyền của KIS có tỉ lệ chuyển đổi 1:1, thời hạn 4 tháng.
Đáng chú ý, cả 5 mã chứng quyền này đều ghi nhận lỗ vị thế sau nhiều tháng giao dịch trên HOSE. Đơn cử, chứng quyền CFPT1907 của VNDirect được phát hành với giá 4.200 đồng/cp, giá thực hiện 53.000 đồng/cp; tại thời điểm đáo hạn thị giá cổ phiếu FPT là 57.900 đồng/cp, theo đó nhà đầu tư bị lỗ 5,7% nếu thực hiện vị thế đối với mã này.
Các chứng quyền khác đều ghi nhận lỗ vị thế ở mức hai con số. Trong đó, hai mã CMBB1906 và CREE1904 lỗ 13,2% và 10,3%; hai chứng quyền CSTB1901 và CDPM1901 của KIS lỗ lần lượt 17,7% và 19,4%. Như vậy, KIS vẫn chưa có chứng quyền nào đáo hạn trong trạng thái lãi vị thế kể từ khi tham gia vào thị trường chứng quyền.
Sau khi đáo hạn 5 chứng quyền trên, thị trường hiện còn 37 mã chứng quyền đang được giao dịch. Trong đó, Chứng khoán SSI và Chứng khoán MBS dẫn đầu với cùng số lượng 10 mã, Chứng khoán KIS còn 9 mã, Chứng khoán VNDirect còn 3 mã và Chứng khoán HSC đang có 5 mã.
Nhiều mã giảm giá hai con số, chứng quyền VPB ngược chiều tăng trên 11%
Về diễn biến trong tuần qua, thị trường chứng quyền giao dịch kém sắc cùng xu hướng với thị trường chứng khoán cơ sở sau những lo ngại về tình hình căng thẳng chính trị Mỹ - Iran. Toàn thị trường ghi nhận 4 mã tăng giá trong khi có tới 33 mã giảm giá, trong đó 19 mã giảm giá ở mức hai con số. Lợi suất trung bình toàn thị trường ở mức âm 7,75%.
Chứng quyền CTCB1901 của MBS mất tới 56% giá trị khi giảm giá từ 500 đồng/cw về còn 220 đồng/cw, đồng thời là mã giảm giá mạnh nhất trong tuần qua.
Việc giảm mạnh của CTCB1901 diễn ra khi mã này sắp tới ngày đáo hạn (ngày 17/1), hiện mã này đang ở trong tình trạng lỗ vị thế. Bên cạnh đó, cổ phiếu cơ sở TCB giảm giá hơn 2% trong tuần qua cũng tạo áp lực lên chứng quyền này.
Ngoài CTCB1901, nhiều chứng quyền của MBS cũng chứng kiến xu hướng tiêu cực. Cụ thể, chứng quyền CGMD1901 giảm 38,36% xuống 450 đồng/cw; chứng quyền CVHM1903 giảm 27% xuống 1.460 đồng/cw; hai mã CREE1905 và CMSN1903 ghi nhận mức giảm trên 19%.
Các chứng quyền còn lại chứng kiến mức giảm hai con số gồm CREE1902, CMBB1904 của SSI và CVHM1901, CNVL1901 và CSBT1901 của KIS.
Ở chiều ngược lại, chứng quyền CVPB1901 của VNDirect ngược dòng thị trường tăng 11,14%, từ 3.590 đồng/cw lên 3.990 đồng/cp. Sự khởi sắc của chứng quyền này diễn ra cùng xu hướng với cổ phiếu cơ sở VPB khi mã này tăng hơn 5% trong tuần qua.
Một số chứng quyền khác cũng ghi nhận giao dịch tích cực gồm CVNM1905, CVIC1903 và CHPG1908.
Giá trị giao dịch tăng hơn 10% nhờ các mã vốn hóa lớn, khối ngoại trở lại bán ròng
Với việc các mã vốn hóa lớn như CTCB1902, CHPG1909, CVPB1901, CVHM1902 giao dịch sôi động, giá trị giao dịch toàn thị trường tăng hơn 10%, dù khối lượng giao dịch giảm nhẹ so với tuần trước. Toàn thị trường ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 11,77 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 22,23 tỉ đồng.
Tuy vậy, vốn hóa thị trường sụt giảm do đáo hạn các chứng quyền của VNDirect và KIS. Kết tuần 6 - 10/1, vốn hóa thị trường chứng quyền ở mức 200,54 tỉ đồng, giảm 31,48 tỉ đồng so với tuần trước, tương đương tỉ lệ giảm hơn 9%.
Đối với giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, sau tuần mua ròng đầu năm mới, khối này lại quay trở lại xu hướng bán ròng trong tuần 6 - 10/1.
Cụ thể, khối ngoại mua mua vào hơn 1,3 triệu đơn vị, tương đương 11,3% khối lượng giao dịch toàn thị trường; trong khi bán ra gần 1,5 triệu đơn vị, tương đương 12,5%. Về giá trị giao dịch, khối ngoại mua vào 1,18 tỉ đồng và bán ra 1,54 tỉ đồng.
Kết quả, khối này bán ròng 139.130 chứng quyền, tương ứng giá trị bán ròng 0,36 tỉ đồng.