|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm chứng quyền PNJ và MSN dậy sóng

17:46 | 29/12/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng quyền tuần 23 - 27/12 diễn biến phân hóa với sự bứt phá của các chứng quyền PNJ và MSN, ngược lại nhóm ngân hàng giao dịch kém sắc sau khi có sự xuất hiện của chứng quyền VPB.
Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm chứng quyền PNJ và MSN dậy sóng - Ảnh 1.

Lần đầu tiên có chứng quyền dựa trên mã cổ phiếu VPB của VPBank. Ảnh: Đức Quyền.

Đáo hạn 4 mã chứng quyền của Chứng khoán SSI và HSC, Chứng khoán VNDirect đưa vào giao dịch 3 chứng quyền mới

Trong tuần giao dịch 23 - 27/12, các chứng quyền CFPT1903, CMWG1904, CHPG1905 của Chứng khoán SSI và chứng quyền CMWG1903 của Chứng khoán HSC đã dừng giao dịch do đến ngày đáo hạn. Trong số đó có 3 mã ghi nhận mức lãi vị thế và một mã vẫn mang lại lợi suất âm.

Cụ thể, các chứng quyền của SSI được phát hành dựa trên 3 cổ phiếu FPT, MWG và HPG; với số lượng một triệu chứng quyền, tỉ lệ chuyển đổi 1:1 và kì hạn 6 tháng. Kết quả đáo hạn, chứng quyền CFPT1903 lãi vị thế 9,2%; chứng quyền CMWG1904 lãi 7,7%; ngược lại chứng quyền CHPG1905 lỗ vị thế 12,5%.

Đối với chứng quyền của HSC, công ty chứng khoán này đáo hạn 2 triệu chứng quyền CMWG1903 dựa trên cổ phiếu MWG, với tỉ lệ chuyển đổi 5:1 và kì hạn 6 tháng. Kết quả, chứng quyền này cũng đem lại lợi suất 1,9% cho các nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn để thực hiện vị thế.

Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm ngân hàng kém sắc - Ảnh 1.

Tuần 23 - 27/12 ghi nhận 4 mã chứng quyền của Chứng khoán SSI và HSC đáo hạn, trong khi đó Chứng khoán VNDirect đưa vào giao dịch 3 chứng quyền mới. Nguồn: ĐN tổng hợp

Ở chiều ngược lại, Chứng khoán VNDirect đưa vào giao dịch thêm 3 chứng quyền mới gồm CVPB1901, CVNM1906, CTCB1902 dựa trên các cổ phiếu VPB, VNM, TCB.

Như vậy, thị trường chính thức có sự xuất hiện chứng quyền dựa trên cổ phiếu VPB của VPBank, nâng tổng số chứng quyền ngân hàng lên thành 4 mã gồm chứng quyền MBB, STB, TCB, VPB.

Các chứng quyền trong đợt phát hành này của VNDirect có tỉ lệ chiết khấu ở mức quanh 10% tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu cơ sở. Cụ thể, chứng quyền CTCB1902 kì hạn 6 tháng, tỉ lệ chuyển đổi 1:1 đang tạm lỗ vị thế 11,8%; hai mã CVNM1906 và CVPB1901 cùng kì hạn 3 tháng có tỉ lệ chiết khấu lần lượt 9,9% và 8,4%.

Chứng quyền PNJ bứt phá, nhóm ngân hàng kém sắc

Về diễn biến trong tuần qua, thị trường ghi nhận sự tích cực tại các chứng quyền PNJ, FPT, MSN trong khi các chứng quyền ngân hàng giao dịch kém sắc. Toàn thị trường có 13 mã tăng giá và 21 mã giảm giá, hiệu suất trung bình là âm 5,08%.

Với diễn biến tích cực của cổ phiếu PNJ trên thị trường cơ sở, chứng quyền CPNJ1902 cũng ghi nhận sự khởi sắc, đồng thời là mã tăng mạnh nhất thị trường tuần qua với mức 21,57%.

Tương tự đối với chứng quyền CMSN1902, sau sự hồi phục của cổ phiếu MSN, mã này chứng kiến mức tăng 14,94% và lấy lại mốc giá 1.000 đồng/cw. Hai chứng quyền còn lại tăng giá trên 10% là CFPT1907 và CSBT1901 với tỉ lệ lần lượt 15,35% và 14,29%.

Ngoài ra, nhóm chứng quyền HPG cũng giao dịch khởi sắc với ba mã CHPG1907, CHPG1908, CHPG1909. Một số mã khác cũng giao dịch tích cực như CFPT1905, CNVL1901, CVRE1902, ...

Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm ngân hàng kém sắc - Ảnh 2.

Chứng quyền PNJ bứt phá, nhóm ngân hàng kém sắc trong tuần qua. Nguồn: ĐN tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng diễn biến có phần tiêu cực khi nhiều mã giảm giá ở mức hai con số. Trong đó, mã CSTB1901 dẫn chiều giảm với tỉ lệ gần 38%, từ 290 đồng/cw xuống còn 180 đồng/cw.

Nhóm chứng quyền MBB với CMBB1904, CMBB1906 giảm trên 20% trong khi CMBB1905 và CMBB1903 cũng giảm trên 10%. Chứng quyền STCB1901 ghi nhận mức giảm thấp nhất nhóm, với tỉ lệ 3,77%.

Cùng xu hướng tiêu cực, nhóm chứng quyền REE với CREE1902; CREE1904; CREE1903 giảm lần lượt 15,45%; 18,98% và 7,49%. Chứng quyền "họ Vingroup" cũng chứng kiến thêm một tuần giao dịch kém sắc khi CVHM1901 giảm 16,84%; CVIC1903 (7,35%); CVHM1902 (6,01%) và CVRE1903 (0,52%).

Thanh khoản thị trường chứng quyền cải thiện trở lại

Với giao dịch sôi động tại nhiều nhóm chứng quyền, thanh khoản thị trường cải thiện so với tuần trước, với khối lượng giao dịch đạt 13,1 triệu đơn vị (tăng 28,3%) và giá trị đạt 25,87 tỉ đồng (tăng 3,9%).

Trong đó, chứng quyền CPNJ1902 và CMSN1902 ghi nhận thanh khoản tăng hơn hai lần nhờ lực mua gia tăng, ngược lại áp lực xả hàng cũng khiến thanh khoản chứng quyền CSTB1901 tăng đột biến gấp 2,2 lần.

Trong khi đó, nhiều chứng quyền chứng kiến thanh khoản sụt giảm mạnh như CSBT1901 giảm tới 82,5% khối lượng giao dịch, các mã CVRE1902, CFPT1903, CGMD1901 và CREE1903 cũng giảm hơn một nửa so với tuần trước.

Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm ngân hàng kém sắc - Ảnh 3.

Thanh khoản thị trường chứng quyền cải thiện trở lại trong tuần 23 - 27/12. Nguồn: ĐN tổng hợp.

Đối với vốn hóa thị trường, sự xuất hiện của các chứng quyền mới do VNDirect phát hành khiến vốn hóa tăng thêm 13,54 tỉ đồng so với tuần trước, lên mức 233,39 tỉ đồng.

Khối ngoại tiếp diễn xu hướng bán ròng

Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp diễn xu hướng bán ròng trong tuần 23 - 27/12 với khối lượng bán ròng gần 900.000 đơn vị, tương ứng giá trị bán ròng 0,27 tỉ đồng.

Cụ thể, khối ngoại mua vào 1,5 triệu đơn vị tương đương 11,8% thanh khoản toàn thị trường, giá trị mua vào đạt 1,44 tỉ đồng. Ngược lại, khối này bán ra 2,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị bán 1,71 tỉ đồng.

Thị trường chứng quyền tuần (23 - 27/12): Xuất hiện chứng quyền VPB, nhóm ngân hàng kém sắc - Ảnh 4.

Khối ngoại không ngừng bán ròng trên thị trường chứng quyền. Nguồn: ĐN tổng hợp.

Đan Nguyên

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.