|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán tăng nóng 27%, Trung Quốc có lợi thế trong đàm phán thương mại

16:14 | 03/04/2019
Chia sẻ
Khi nước Mỹ leo thang cuộc chiến thương mại bằng việc đánh thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc tháng 9 năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đang chật vật và thị trường chứng khoán nước này đang lao dốc, khiến cho Mỹ có đôi chút lợi thế. Nhưng vài tháng sau, lợi thế lại đang thuộc về Trung Quốc.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite đã tăng trên 27% khiến đây trở thành thị trường chứng khoán lớn tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang cho thấy những dấu hiệu ổn định trở lại.

Khi hai nước bắt đầu đánh thuế vào tháng 9/2018, Tổng thống Donald Trump được hậu thuẫn bởi hai quí tăng trưởng cao trên 3% của nền kinh tế, và thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh lịch sử.

Hiện nay, nước Mỹ vẫn được cho là nhỉnh hơn so với Trung Quốc nhưng tăng trưởng kinh tế đã không còn như trước, chỉ đạt 1,5% trong quí I vừa qua. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chưa giành lại được những điểm cao đã đánh mất trong năm 2018 dù đã tăng khá mạnh từ đợt bán tháo tháng 12.

Căng thẳng thương mại và thuế quan khiến cho cả hai quốc gia bị thiệt hại, thể hiện qua những con số thâm hụt thương mại cao kỉ lục giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế của Trung Quốc có vẻ đang ngóc đầu dậy. Số liệu của khu vực sản xuất vừa công bố tuần này cho thấy hoạt động của các nhà máy đang mở rộng.

Thị trường chứng khoán tăng nóng 27%, Trung Quốc có lợi thế trong đàm phán thương mại - Ảnh 1.

Top 10 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm đến ngày 2/4/2019. Nguồn: FactSet, CNBC.

Ông Ethan Harris, giám đốc nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America Merrill Lynch nhận định: "Tôi nghĩ những biến đổi tại Trung Quốc là rất đáng kể. Chỉ số nhà quản trị mua hàng cao hơn rất nhiều so với dự báo. Đây như là những chồi non đầu tiên mạnh mẽ vươn lên khỏi mặt đất. Và rõ ràng, Trung Quốc đã mở van nới lỏng chính sách. Tháng trước, nước này công bố một đợt cắt giảm thuế lớn. Trung Quốc còn hối thúc các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Chỉ số nhà quản trị mua hàng là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các động thái của chính phủ đang cải thiện tâm lí doanh nghiệp".

Các cuộc đàm phán thương mại cấp cao đang diễn ra trong tuần này tại Washington, và có vẻ đang có nhiều tiến triển.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cuộc đàm phán thương mại sau khi chỉ số S&P 500 mất 14% trong quí IV và chỉ số Shanghai Composite sụt 25% trong cả năm 2018.

Thị trường chứng khoán tăng nóng 27%, Trung Quốc có lợi thế trong đàm phán thương mại - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số Shanghai Composite và S&P 500. Nguồn: Citigroup.

Thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy trong tuần cuối cùng của tháng 12, không lâu sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đạt được một số tiến bộ trong đàm phán với Bắc Kinh. Từ đó, chỉ số chứng khoán của Thượng Hải và Phố Wall hầu như liên tục đi lên và cả hai bên vẫn tiếp tục ngồi trên bàn đàm phán.

Thị trường chứng khoán tăng nóng 27%, Trung Quốc có lợi thế trong đàm phán thương mại - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP hàng quí của Mỹ. Nguồn: CNBC.

Ông Ethan Harris cho rằng Trung Quốc đã sử dụng một chính sách kích thích "2 nòng", gồm cả kích thích tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. "Việc cắt giảm thuế có thể giúp GDP Trung Quốc tăng trưởng thêm 0,5%, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Câu hỏi thú vị hơn cần đặt ra là việc gây áp lực tăng cường cho vay sẽ có tác dụng đến đâu – đó mới là gói kích thích chính, và chúng ta không thể biết được câu trả lời." Ông nói tiếp: "Nếu Trung Quốc không dùng gói kích thích kinh tế, họ sẽ ở vào vị thế yếu hơn rất nhiều trên bàn đàm phán. Trung Quốc còn có động cơ mạnh mẽ để kéo dài gói kích thích này hơn mức cần thiết và đưa nền kinh tế vào một đợt hồi phục ngoài ý muốn".

Nếu có một thỏa thuận thương mại và tâm lí tin tưởng cải thiện, Harris cho rằng nhiều khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bùng nổ trong năm nay. Câu hỏi ở đây là: Liệu Trung Quốc có kích thích quá mức không?

Về phần nền kinh tế Mỹ, các nhà kinh tế kì vọng tăng trưởng trong quí II sẽ hồi phục trở lại, đạt 2,5% sau quí I yếu kém. Các quí còn lại trong năm cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ở khoảng 2,5%.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc ngày càng ổn định, khả năng đạt được thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn sẽ giảm đi vì Trung Quốc sẽ không thể bị buộc phải nhượng bộ nhiều cho Mỹ.

Song Ngọc