|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Trung Quốc trỗi dậy, các thị trường mới nổi khác bị nhấn chìm?

11:54 | 03/04/2019
Chia sẻ
Các thị trường mới nổi có thể đang hi vọng rằng cơn sóng đang lên tại Trung Quốc sẽ làm tất cả con thuyền cùng dâng lên, nhưng thực tế là có nguy cơ chính các thị trường này sẽ bị nhấn chìm bởi Trung Quốc.

Những tín hiệu lạc quan đang xuất hiện: Khu vực sản xuất của Trung Quốc đang ổn định trở lại, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí còn có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tất cả đều là những tin tốt cho thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Nhưng nhiều nhà đầu tư lại tỏ ra lo ngại và bắt đầu bán tháo, rút về 2,6 tỉ USD từ các quĩ ETF thị trường mới nổi trong ba tuần qua. Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, các thị trường mới nổi khác đều đang gặp khó khi giao dịch lình xình suốt từ tháng 2 đến nay, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đều đã mở lại van thanh khoản. (Thị trường Ấn Độ tăng trưởng là nhờ hàng tỉ USD vốn ngoại chảy vào với hi vọng Thủ tướng Narendra Modi sẽ tái đắc cử).

Trung Quốc trỗi dậy, các thị trường mới nổi khác bị nhấn chìm? - Ảnh 1.

Chỉ số MSCI đi ngang từ tháng 2 đến nay, tụt lại so với thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg.

Tình hình nhiều khả năng sẽ ngày càng trở nên tồi tệ. Khác với trước đây, việc Trung Quốc mạnh dần lên như hiện nay là một tin xấu cho các thị trường mới nổi khác. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường Trung Quốc sẽ sớm cạnh tranh quyết liệt để giành lấy dòng vốn ngoại giống như nước này cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Nền kinh tế khổng lồ với định hướng xuất khẩu Trung Quốc đang dần trở thành một quốc gia chịu thâm hụt. Trái ngược với nhận định của Tổng thống Trump, Trung Quốc không còn là một đất nước chi tiêu tằn tiện, bán hàng cho cả thế giới nhưng hầu như chẳng mua lại gì. Ngày đó đã lùi vào dĩ vãng.

Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc giờ đây đang đi du lịch khắp nơi, "quẹt thẻ" mua sắm thả ga ở nước ngoài. Năm ngoái, hơn 160 triệu người Trung Quốc đi nước ngoài, chi tiêu tổng cộng 237 tỉ USD vào đủ loại mặt hàng từ nồi cơm điện Nhật Bản đến giày Gucci ở Italia. Hệ quả tất yếu là thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc sụp đổ.

Trung Quốc trỗi dậy, các thị trường mới nổi khác bị nhấn chìm? - Ảnh 2.

Năm 2018, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc giảm mạnh, chỉ còn tương đương 0,4% GDP. Nguồn: Bloomberg.

Trung Quốc giờ đây đang đứng bên bờ vực của tình trạng thâm hụt kép – tức là thâm hụt cả tài khóa lẫn tài khoản vãng lai. Vì thế nên chính quyền Bắc Kinh hiện rất muốn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài để cân bằng lại tài khoản. 

Đó là lí do vì sao mà Trung Quốc đột nhiên mở cửa ngành dịch vụ tài chính, cho phép các ngân hàng đầu tư nước ngoài sở hữu đa số cổ phần tại các công ty chứng khoán liên doanh trong nước. Cần hiểu rõ rằng, Bắc Kinh sẽ đưa ra những "con mồi" thơm ngon nhất để dụ nhà đầu tư nước ngoài rút hầu bao chi tiền.

Việc các quốc gia đang phát triển khác được hưởng lợi gì từ gói kích thích kinh tế gần đây nhất của Trung Quốc cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Hãy thử nhớ lại Trung Quốc đã dẫn dắt các thị trường mới nổi ra khỏi vũng lầy giảm phát năm 2016 như thế nào: Bằng biện pháp cải cách bên cung, các mỏ than và nhà máy thép không dùng đến đều bị đóng cửa. Hệ quả là giá nhiều loại hàng hóa tăng lên, tạo tiền đề cho sự hồi phục của khu vực này trong năm 2017.

Quay trở về năm 2019. Giá các loại hàng hóa cũng tăng lên nhưng mức tăng không đủ mạnh để kéo các thị trường mới nổi bứt phá.

Trung Quốc trỗi dậy, các thị trường mới nổi khác bị nhấn chìm? - Ảnh 3.

Giá hàng hóa tăng mạnh trong năm 2016 đã kéo theo các thị trường chứng khoán mới nổi tăng điểm trong hai năm 2016-2017. Nguồn: Bloomberg.

Cùng một biện pháp đó sẽ không thể có tác dụng lần thứ hai. Năm nay, Bắc Kinh tập trung vào cắt giảm thuế và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Nếu Trung Quốc thành công, nhu cầu nhập khẩu có thể sẽ tăng lên đối với các loại hàng hóa cuối cùng, như những chiếc túi hàng hiệu từ Italia, xe sang từ Đức, thuốc đắt tiền từ Mỹ. Nguyên liệu thô từ các quốc gia đang phát triển sẽ phải đứng sau các đơn hàng kể trên.

Ngay lúc này, Trung Quốc cũng có khá nhiều điểm hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác. Chính phủ đang thực hiện những gói kích thích kinh tế khổng lồ, và dòng tiền thụ động sẽ chảy vào nước này đơn giản là vì các tổ chức lập chỉ số cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu đã quyết định đưa chứng khoán Trung Quốc vào rổ tính toán.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn địa chỉ đầu tư của mình rất kĩ càng. Các thị trường mới nổi có thể đang hi vọng rằng cơn sóng đang lên tại Trung Quốc sẽ làm tất cả con thuyền cùng dâng lên, nhưng thực tế là có nguy cơ chính các thị trường này sẽ bị nhấn chìm bởi Trung Quốc.

Kiên Dương, Song Ngọc

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.