Thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài
Mở cửa thị trường phái sinh Việt Nam
Thông tin Việt Nam sẽ mở cửa giao dịch thị trường phái sinh vào tháng 5/2017 được xác nhận trên nhiều phương tiện truyền thông từ đầu năm. Đi kèm với thị trường phái sinh là sự xuất hiện các hợp đồng giao dịch chứng khoán và trái phiếu Chính phủ, với nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong một bài phỏng vấn với Thời báo Tài chính, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hà Nội cho biết, thị trường phái sinh ra đời sẽ bao gồm cả các hợp đồng quyền chọn. Theo ông Phong, 2 chỉ số giao dịch mới cũng đang được cân nhắc cho ra đời, mặc dù Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định xem chỉ số nào sẽ được sử dụng đầu tiên.
Năm 2014, Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua kế hoạch phát triển thị trường phái sinh tại Việt Nam. Mục đích của quyết định này là làm cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài, bằng cách áp dụng các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro.
"Chúng tôi hy vọng rằng với những gì đang triển khai, Việt Nam sẽ chính thức được thế giới thừa nhận là thị trường mới nổi. Trong đó, yếu tố thị trường phái sinh sẽ đóng vai trò quan trọng", ông Phong nói.
Sẽ xuất hiện 2 chỉ số thị trường chứng khoán mới
Việt Nam mở cửa thị trường chứng khoán vào tháng 7/2000 với chỉ hai công ty niêm yết. Hiện nay, thị trường đang có hơn 700 công ty niêm yết trên hai sàn giao dịch với tổng giá trị thị trường 99 tỷ USD. Trong đó, REE, một trong hai công ty đầu tiên lên sàn tại Việt Nam, có vốn hóa thị trường 8.600 tỷ đồng (377 triệu USD).
Hiện nay, công ty có giá trị thị trường cao nhất là Vinamilk, đơn vị sản xuất sữa lớn nhất cả nước. Nhà nước bắt đầu thoái vốn tại Vinamilk cuối năm ngoái với một khoản thanh lý được chờ đợi từ lâu, một động thái được thực hiện nhằm cung cấp cổ phần hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư quốc tế hiện chiếm chưa tới 20% thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các chính sách như tăng giới hạn sở hữu nước ngoài đối với một số ngành công nghiệp và bán cổ phần trong các công ty nhà nước đã được thông qua. Chính phủ Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc thoái vối tại nhiều công ty lớn.
Việt Nam đang có hơn 700 công ty niêm yết trên 2 sàn giao dịch với tổng giá trị 99 tỷ USD. Ảnh: Tapchitaichinh. |
Vietnamnews ngày 10/3 vừa qua đã trích lời Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc xem xét sáp nhập hai sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM, với mục tiêu củng cố và phát triển thị trường phái sinh.
Thị trường phái sinh nếu được thành lập sẽ bắt đầu với hai chỉ số VN30 và HNX30. VN30 sẽ bao gồm 30 cổ phiếu lớn nhất theo giá trị thị trường tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, còn HNX30 sẽ bao gồm 30 công ty lớn nhất niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo ông Phong, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ sớm đưa ra quyết định.
Chỉ số VN Index của chứng khoán Việt Nam tăng 7,8% kể từ đầu năm 2017. Trong cả năm 2016, con số tăng trưởng của chỉ số này đạt mức 15%. Ngày 23/2 vừa qua, VN Index đạt mức cao kỷ lục trong 9 năm trở lại đây.
Các quan chức đã tham khảo ý kiến các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế, bao gồm Viện Nghiên cứu Nomura và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Giza (GIZ) của Deutsche Gesellschaft. Họ cũng đã tìm kiếm lời khuyên từ các sàn giao dịch bao gồm Bursa Malaysia, và các nhà khai thác kinh doanh tại Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản. Thị trường mới sẽ được quản lý bởi sàn Hà Nội về giao dịch, trong khi việc thanh toán, bù trừ và quyết toán chứng khoán sẽ do Trung tâm Lưu ký quản lý.
"Có rất nhiều nhà đầu tư không vào Việt Nam vì họ không có khả năng phòng ngừa rủi ro nếu có chuyện gì đó xảy ra. Thông qua các hợp đồng tương lai, họ có thể rút khỏi thị trường một cách nhanh chóng và dễ dàng", Thomas Hugger , Giám đốc điều hành tại Hong Kong của Asia Frontier Capital cho biết.
Không phải ai cũng tin vào tiềm năng thị trường phái sinh
Michel Tosto, trưởng bộ phận bán hàng và môi giới công ty Chứng khoán Viet Capital, cho rằng sự phổ biến của các loại hợp đồng mới đang bị đặt dấu hỏi. Nguyên nhân là bởi các nhà đầu tư trong nước cần tìm hiểu thêm về giao dịch tương lai và điều chỉnh chiến lược của họ trước khi tham gia.
Theo Tosto, thị trường sẽ khó có biến động lớn bởi một số quỹ đầu tư có quyền không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phái sinh. Mức trần 49% đối với cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại công ty niêm yết tại Việt Nam, 30% đối với các ngân hàng, đã được áp dụng cho đến năm 2015, khi Chính phủ ban hành các quy tắc loại bỏ hạn chế trong một số ngành.
Tuy nhiên, việc thực hiện đã trở nên phức tạp khi các công ty và nhà đầu tư không rõ ràng về các hạn chế đối với một số ngành công nghiệp và doanh nghiệp cụ thể. Ở một diễn biến khác, tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mức vốn nước ngoài tại các ngân hàng sẽ được nới tăng trong thời gian tới.