|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán lình xình, quĩ thuộc VinaCapital quay sang xem xét các thương vụ PE trị giá 626 triệu USD

18:42 | 25/10/2019
Chia sẻ
Quĩ Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Công ty quản lí quĩ VinaCapital đang xem xét 21 thương vụ đầu tư vốn tư nhân (PE) với tổng trị giá 626 triệu USD.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn thông tin từ quĩ VOF cho biết quĩ này đang đánh giá 21 thương vụ đầu tư vốn tư nhân (private equity - PE) thuộc nhiều ngành khác nhau với tổng giá trị 626 triệu USD.

(Vốn tư nhân là vốn chủ sở hữu trong các doanh nghiệp chưa chào bán cổ phần ra công chúng, chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán).

Khoảng 43% số thương vụ đang được xem xét là thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, VOF còn đánh giá các cơ hội trong lĩnh vực y tế, tiêu dùng thiết yếu, vật liệu, công nghiệp và công nghệ thông tin.

VOF không chỉ đầu tư vào cổ phiếu mà còn vào nhiều loại tài sản khác với giá trị tài sản ròng (NAV) cuối tháng 9 khoảng 921 triệu USD. NAV của tất cả quĩ thuộc VinaCapital là 3,3 tỉ USD.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không có tăng trưởng rõ rệt, quĩ VOF kì vọng tỉ trọng danh mục vốn tư nhân trên NAV sẽ tăng từ 14,5% vào cuối tháng 9 lên khoảng 25%.

Vn-Index

Chỉ số VN-Index giằng co dưới ngưỡng 1.000 điểm trong nửa năm qua. Nguồn: Bloomberg.

Các cổ phiếu trên sàn chiếm khoảng 66% NAV của VOF. Trong khi đó, vốn tư nhân là nhóm tài sản duy nhất của VOF có tỉ trọng trên NAV liên tục tăng trưởng từ năm 2017 đến nay.

Mới đây, VOF thông báo về khoản đầu tư 21,4 triệu USD (gần 500 tỉ đồng) vốn cổ phần tư nhân vào CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa.

Ngọc Nghĩa là doanh nghiệp có năng lực sản xuất bao bì lớn nhất Việt Nam với khoảng 3,7 tỉ khuôn, chai PET và nắp nhựa… mỗi năm. VinaCapital ước tính rằng về mặt khối lượng, Ngọc Nghĩa chiếm thị phần lớn nhất với bao bì PET. 

Ngọc Nghĩa được thành lập năm 1993. Đến cuối tháng 6/2019, công ty có vốn điều lệ 522,5 tỉ đồng; tổng tài sản đạt 2.562 tỉ đồng. Doanh thu nửa đầu năm nay đạt 894 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 46 tỉ đồng, giảm khoảng 94% so với cùng kì năm ngoái do không còn khoản doanh thu tài chính từ việc thanh lí công ty con.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, Ngọc Nghĩa đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) 15,3% mỗi năm. Công ty này dự kiến đem về 74 triệu USD doanh thu trong năm 2019 từ mảng kinh doanh cốt lõi là nhựa PET.

Trong báo cáo của mình, VOF cho biết: "Trong khoảng một năm vừa qua, chúng tôi đã đánh giá khoảng 100 khoản đầu tư vốn tư nhân tiềm năng và đã thu hẹp sự lựa chọn xuống còn 6 công ty với tiềm năng rất lớn". Ngoài ra, VOF cũng cho hay sẽ công bố một vài thương vụ nữa trong những tháng tới.

Kể từ khi thành lập quĩ năm 2003, danh mục vốn tư nhân của VinaCapital đã tăng trưởng nhanh hơn chỉ số chứng khoán VN-Index 10,5%. Các nhà quản lí quĩ này cũng đã thực hiện lợi nhuận đối với 28 khoản đầu tư vốn tư nhân, đạt tỉ suất hoàn vốn nội bộ 20%.

Các thương vụ thoái vốn của VOF trong năm 2019 bao gồm cổ phiếu của hãng hàng không giá rẻ Vietjet với tỉ suất hoàn vốn nội bộ 87,6% sau ba năm nắm giữ. Giá trị khoản đầu tư của quĩ này vào Vietjet là 38,4 triệu USD.

Các khoản đầu tư vốn tư nhân khác của VinaCapital bao gồm hệ thống bệnh viện tâm trí, công ty cổ phần gỗ An Cường, các doanh nghiệp bất động sản CenLand và Ricons.

Song Ngọc